(GD&TĐ) - Ngay từ khi "lên kinh ứng thí", Trần Xuân Bách (xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội) đã biết chắc mình sẽ nhận được một chiếc “vé” vào đại học. Nhưng cái tin được 30 điểm (Toán, Sinh được 10 điểm/môn; 9,75 điểm môn Hóa) và đỗ thủ khoa đại học Y Hà Nội khiến Bách và cả gia đình hết sức vui mừng nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên. Không những thế, Bách còn là á khoa đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 28.
Mỗi ngày Bách thường dành ra 4 tiếng đồng hồ để tự ôn bài |
Ngôi nhà nhỏ của anh chị Trần Thiên Hà và Trần Thị Hương Thu hôm nay bỗng trở nên nhộn nhịp hơn vì Bách được nhận phần thưởng từ Quỹ khuyến học của dòng họ. Nét mặt ai cũng rạng rỡ và tự hào về người con đã mang về thêm niềm vinh quang cho cả dòng họ Trần Thiên vốn từ lâu đã có truyền thống hiếu học.
Tuy là người khá trầm tính và có phần nhút nhát nhưng từ nhỏ Bách đã là cậu học trò ngoan ngoãn và có tính tự lập cao. Tính cách ấy một phần được ảnh hưởng từ người bác Trần Thiên Cường, hiện đang công tác tại công an tỉnh Vĩnh Phúc. Qua những câu chuyện phá án hình sự được bác kể, Bách đã rất yêu nghề công an nhưng quê hương Ba Vì, nơi mảnh đất còn nhiều khó khăn đã từng đón rất nhiều đoàn tình nguyện là các y, bác sỹ về khám chữa bệnh miễn phí cho người dân đã khiến Bách nung nấu ước mơ sau này cũng được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Sau mỗi giờ học Bách thường tìm tới cờ tướng, đàn ghi ta để giảm căng thẳng |
Đầu năm lớp 10, Bách càng quyết tâm phải thi đỗ đại học Y Hà Nội. Khi nhìn bố gầy gò, sức khỏe giảm sút do công việc lái xe phải đi sớm về khuya, lại thêm chứng đau lưng hành hạ, Bách không khỏi xót xa. Bách muốn trở thành bác sĩ đa khoa để chăm lo tốt hơn cho sức khỏe của bố và giúp được nhiều người nghèo. Quyết định này được gia đình Bách hết sức ủng hộ.
Với chiều cao khủng 1m85 và tính cách khá trầm, Bách được bạn bè gọi bằng cái tên thân thương “Bách ngố”. Nhưng chàng trai “Bách ngố” ấy đã làm nên kỳ tích khiến ngôi trường THPT Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội) những ngày này cũng tràn ngập niềm vui.
Tuy đỗ điểm số cao ở cả hai trường đại học nhưng khi được hỏi về thành tích học tập của mình những năm ngồi trên ghế nhà trường, Bách chỉ gãi đầu: “Em chỉ nhớ từ khi học cấp hai tới nay năm nào em cũng được học sinh giỏi. Năm lớp 12 em đạt giải Nhì thi học sinh giỏi toán cấp Thành phố, còn những năm trước đó em không nhớ”.
Ngoài thời gian lên lớp, mỗi ngày Bách thường dành ra cho mình khoảng 4 tiếng đồng hồ để tự ôn bài. Những cuốn sách tham khảo mua được hay mượn của thầy cô, bạn bè luôn là nguồn cảm hứng của Bách trong mọi giờ học. Có lần, không giải được bài toán, cả đêm Bách trằn trọc không ngủ, chỉ nằm thở dài. Sáng hôm sau, Bách lại lên trường thật sớm, chờ thầy giáo đến để hỏi bài, giải cho bằng được mới chịu thôi. Những gì mình học và tích lũy được, chàng trai đảm nhiệm chức lớp phó học tập ấy không bao giờ giữ lại cho riêng mình. Học nhóm, học từ những trang web chuyên ngành… cũng là phương pháp giúp Bách tiến bộ rất nhanh trong học tập.
Cả dòng họ Trần Thiên ai cũng tự hào khi biết tin Bách đỗ thủ khoa đại học |
Theo tân thủ khoa, nếu nắm vững kiến thức cơ bản thì có thể giành 8 điểm, 2 điểm còn lại do kiến thức tự đúc kết được từ việc thường xuyên giải các dạng đề nâng cao, đề thi trên mạng.
“Những ván cờ tướng hay những bản nhạc ghi ta sẽ giúp mình thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Bố mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất của mình” – Bách chia sẻ.
Nói về con trai của mình, chị Trần Thị Hương Thu chỉ cười: “Ngày biết tin mình đỗ đại học, người đầu tiên mà em chia sẻ chính là bố mẹ. Chúng tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên nhưng cũng lo lắm vì gia đình chỉ làm nông, kinh tế hạn hẹp. Nhưng dù sao cũng phải cố hết mình cho con”. Mỗi khi thấy con về nói bạn này học giỏi mà ngoan, bạn kia nhà nghèo nhưng rất chịu khó học hỏi… chị cũng chỉ khuyên con phải sống như thế nào để bố mẹ, ông bà được vui và không phải than phiền vì con. Những lời căn dặn ấy đã là hành trang theo Bách trong suốt những năm tháng học trò.
Những ngày ôn thi nước rút nhưng hàng xóm vẫn thấy Bách ra vườn cuốc đất, nhặt cỏ rau cho mẹ… những công việc ấy, từ nhỏ Bách đã rất thành thạo. Chia sẻ về ước mơ của mình sau này, Bách mong muốn mình sẽ trở thành bác sỹ giỏi và cùng với rất nhiều bác sỹ có “tâm” khác sẽ đi tới những nơi nghèo khó mà người dân chưa có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho mình để tư vấn, giúp đỡ họ từ những cái căn bản nhất.
Nguyễn Huệ