Thái Nguyên: Khu tái định cư “ngốn” 14 tỷ đồng vẫn là bãi đất trống

GD&TĐ - Dự án Khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ là 1 trong 3 khu tái định cư nằm trong Dự án đầu tư tổng thể Bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên. Dù đã được đầu tư 14 tỷ đồng nhưng đến nay dự án này vẫn là bãi đất trống.

Một số nhà dân chuyển đến trước khi Dự án TĐC được phê duyệt có nguy cơ bị đất đá từ trên núi sạt lở vùi lấp bất cứ lúc nào
Một số nhà dân chuyển đến trước khi Dự án TĐC được phê duyệt có nguy cơ bị đất đá từ trên núi sạt lở vùi lấp bất cứ lúc nào

Tạm dừng do sạt lở núi

Trong số báo ra ngày 12/6, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: “Thái Nguyên: Thất thoát tại các dự án tái định cư?” phản ánh về việc những năm gần đây ngân sách đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhưng không đạt hiệu quả, có dấu hiệu thất thoát, lãng phí tại Dự án ổn định dân cư vùng lòng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công.

Dự án TĐC xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ thể hiện rõ hơn cả về sự lãng phí, dấu hiệu thất thoát khi ngân sách đã chi ra 14 tỷ đồng để đầu tư ổn định cuộc sống cho người dân, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống.

Ngày 20/12/2010, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Dự án đầu tư tổng thể Bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Trong đó, di chuyển 104 hộ dân thuộc 3 xã Lục Ba, Tân Thái, Vạn Thọ thuộc huyện Đại Từ sang khu TĐC để ổn định cuộc sống.

Theo dự án đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ có 35 hộ dân ở nằm trong kế hoạch TĐC với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng, công trình gồm các hạng mục: San nền, hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, nhà văn hóa, nhà vệ sinh.

Trong văn bản gửi HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 11/10/2016, Sở NN&PTNT tỉnh này đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch TĐC cho 35 hộ dân của xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ: “Tổng vốn thực hiện dự án 14 tỷ đồng, đạt 86,8% tổng mức đầu tư của dự án (hơn 16 tỷ đồng), thi công đạt 80% khối lượng. Do trong quá trình thực hiện bị sạt lở mái taluy, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng thi công để chờ kết luận, thống nhất biện pháp xử lý”.

Ngày 20/10/2016, Sở NN&PTNT tiếp tục gửi báo cáo đến UBND tỉnh Thái Nguyên về kết quả kiểm tra các dự án xây dựng khu TĐC thuộc Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh. Tại dự án khu TĐC xã Vạn Thọ, Sở NN&PTNT cho biết, hiện các hạng mục nhà văn hóa, hệ thống cấp điện đã thi công hoàn thiện, các hạng mục còn lại đang tạm dừng thi công do sạt lở đất và đang chờ UBND tỉnh lựa chọn phương án xử lý kỹ thuật.

Anh Khoa đứng trước căn nhà đang ở chỉ tay về phía hồ Núi Cốc, lo lắng mùa nước năm nay sẽ tiếp tục bị ngập trong nước
  • Anh Khoa đứng trước căn nhà đang ở chỉ tay về phía hồ Núi Cốc, lo lắng mùa nước năm nay sẽ tiếp tục bị ngập trong nước

Sống ngập trong nước

Số tiền 14/16 tỷ đồng đã đổ vào dự án với mục đích giải quyết vấn đề cấp bách là di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc, nhưng dự án đang “đắp chiếu” vì nhiều nguyên nhân (trong đó chủ yếu đến từ các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm) khiến người dân thuộc diện được di dời khỏi vùng bán ngập mòn mỏi chờ đợi, bức xúc.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, anh Vũ Hữu Khoa (xóm 10, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ) là gia đình thuộc diện được di dời, bức xúc cho biết: “Người dân chúng tôi biết là có dự án, chờ đợi nhiều năm nay, không biết Nhà nước đã đổ bao nhiêu tiền vào dự án này. Chúng tôi chỉ biết cái mà họ gọi là dự án hiện nay chỉ là một khu đất trống, sạt lở”.

Anh Khoa cho hay, hàng năm vào mùa mưa, nước hồ Núi Cốc dâng cao đều khiến nhà anh và các hộ dân khác bị ngập, có những đợt nước dâng cao khiến trong nhà bị ngập tới 40 - 50 cm. “Những lúc như thế vợ chồng tôi và hai con nhỏ lại phải kê giường, di chuyển tài sản lên vị trí cao ngoài nhà để tránh nước. Khổ lắm các anh ạ. Mùa nước tới đây, nếu nước hồ dâng cao không biết chúng tôi sẽ sống thế nào”.

Các hộ dân thuộc diện di dời vùng bán ngập hồ Núi Cốc khẳng định, đến thời điểm hiện tại không có bất cứ hộ nào nhận được tiền hỗ trợ di dời vì tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” ở dự án này.

Theo quan sát, vị trí khu đất được quy hoạch khu TĐC xã Vạn Thọ hiện tại đất đá từ trên núi trượt xuống chiếm gần hết diện tích, ra sát mép đường đi. Hệ thống taluy bằng bê tông cũng bị đất đá từ trên núi sạt xuống phá hỏng. Một số nhà của người dân chuyển ra từ trước khi có khu TĐC cũng đang trong nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Ông Trần Đình Cường - nguyên Trưởng xóm 10, xã Vạn Thọ, một trong 35 hộ dân trong diện di dời sang khu TĐC, cũng cho biết: “Chúng tôi không hộ nào muốn chuyển vào khu TĐC, nhưng do Nhà nước vận động nên chúng tôi mới đồng ý. Chứ nói thật bây giờ chúng tôi cũng không dám ở, vì núi sạt lở nguy hiểm như vậy làm sao chúng tôi yên tâm sinh sống được khi mưa bão”.

Chỉ tay về phía ô đất trống trước mặt, ông Trần Đình Phương - hộ dân được di chuyển sang khu TĐC xã Vạn Thọ chia sẻ: “Để phục vụ công tác làm đường của nhà nước, gia đình tôi và một số hộ khác đã bàn giao hết toàn bộ diện tích nhà ở, 3 năm nay gia đình tôi phải đi ở nhờ. Nhưng nếu bây giờ bảo chúng tôi lên khu TĐC ở thì chúng tôi cũng không lên”.

Người dân ở đây cũng bức xúc yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến dự án này, hàng chục tỉ đồng đã được đầu tư vào dự án như thế nào để nhận lại một khu đất trống? Ai phải chịu trách nhiệm?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.