Từ ý nghĩa dân sinh lớn
Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, nhiều nơi cư dân bị chia cắt bởi địa hình, chịu tình trạng ngập lụt, sạt lở bởi thiên tai. Để ổn định đời sống cho hàng nghìn người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đã phải chi hàng trăm tỉ đồng cho việc xây dựng các khu dân cư tập trung.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hàng loạt dự án xây dựng TĐC như: Ổn định dân cư cho 139 hộ dân đang sinh sống tại vùng lòng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công; Di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ (được phê duyệt năm 2010); Đầu tư tổng thể, bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Dự án này xây dựng 3 khu TĐC thuộc huyện Đại Từ gồm: Khu TĐC Đồi Tròn, xã Lục Ba - bố trị sắp xếp cho 32 hộ; Khu TĐC xã Tân Thái bố trí cho 37 hộ; Khu TĐC xã Vạn Thọ bố trí cho 35 hộ để di chuyển dân ra khỏi vùng bán ngập dưới cốt 46,25m.
Ngoài 2 dự án trên, trong giai đoạn 2013 - 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng phê duyệt dự án đầu tư di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Mục tiêu TĐC cho 60 hộ dân thuộc diện có nhà ở vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở bao gồm cả thôn người Mông ở bản Mỏ Nước và một số hộ ở thôn khác thuộc xã Văn Lăng.
Giai đoạn 2015 - 2016, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Bậu, xã Bình Long, huyện Võ Nhai. Mục tiêu di dân ra khu TĐC tập trung 29 hộ vùng thiên tai ngập úng.
Cuối tháng 12/2015, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phê duyệt dự án khu TĐC di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất và có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và kè bờ suối khắc phục sạt lở khu vực UBND và Trạm Y tế xã Linh Thông. Mục tiêu TĐC cho 32 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất, lũ quét, lũ ống… cùng nhiều dự án khác nữa.
Việc tỉnh Thái Nguyên liên tục phê duyệt các dự án TĐC cho người dân vùng thiên tai được dư luận, người dân tại Thái Nguyên đồng tỉnh ủng hộ bởi đây là các dự án an sinh xã hội, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
|
Thực tế tại dự án ở Sông Công
Thời gian gần đây, dư luận tại tỉnh Thái Nguyên bức xúc trước tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” tại các dự án TĐC bởi nhiều công trình xuống cấp nhanh chóng, thậm chí một số hạng mục không thể đưa vào sử dụng, có dấu hiệu thất thoát, lãng phí. Sau quá trình tìm hiểu, xác minh tại hiện trường, Báo GD&TĐ ghi nhận bức xúc của người dân là có cơ sở.
Đơn cử như tại dự án ổn định dân cư vùng lòng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP Sông Công là một “hình mẫu” về khu TĐC. Tháng 9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương kí quyết định số 2369/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch dự án này.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu tái định cư gồm khu A, B, C. Trong đó, khu A là TĐC cho các hộ dân di cư từ vùng lòng hồ Ghềnh Chè, khu B là khu dân cư mới. Tổng diện tích khu đất là hơn 8,7ha. Trong phân khu chức năng có đất ở, đất cây xanh, đất công cộng, đất xây dựng chợ, đường giao thông. Không gian kiến trúc có sân chơi, cây xanh được bố trí đan xen và nằm tại vị trí trung tâm của khu ở…
Trong giai đoạn 2008, dự án ban đầu được trình ở mức gần 20 tỷ đồng. Ngày 15/12/2010, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 3084/QĐ-UBND, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên gần 26 tỷ đồng. Sau lần đội vốn này, công trình nhà văn hóa được đầu tư trên 439 triệu đồng, chợ trên 3 tỷ đồng, hạ tầng gần 7 tỷ đồng.
Vậy khu TĐC quy mô gần 26 tỷ đồng này thực trạng như thế nào. Ngày 11/6, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Danh Chính, người dân di cư từ vùng lòng hồ Ghềnh Chè, bức xúc: “Chúng tôi từ khu lòng hồ Ghềnh Chè về đây từ năm 2010, nhưng kể từ khi về đây chúng tôi chưa gia đình nào được sử dụng nước sạch mà phải tự khoan giếng để lấy nước dùng. Còn hệ thống đèn chiếu sáng ở đường, từ ngày về đây chúng tôi cũng chưa thấy người ta bật bao giờ”.
Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Quang Đạo - Trưởng xóm Tân Tiến (Khu TĐC lòng hồ Ghềnh Chè) xác nhận phản ánh của người dân là đúng sự thực.
Trưởng xóm Tân Tiến cũng cho biết, khi ký nhận bàn giao với chính quyền sở tại ông không biết cái gọi là giếng khoan khổng lồ (được bịt bởi một tấm bê tông) có phải là giếng nước của dự án không, dưới giếng có máy bơm không. “Họ bảo tôi ký nhận bàn giao thì tôi ký”, ông Đạo nói.
Ngoài việc hệ thống chiếu sáng đường không được sử dụng, hệ thống cấp nước tê liệt (mặc dù trong phê duyệt trước đó nguồn nước khu dân cư là nước giếng khoan đã có xử lý đạt tiêu chuẩn, xây bể chứa khu vực dung tích 200m3), nhà văn hóa, đường nội khu xuống cấp, một số hạng mục “thiếu”, chưa hoàn thiện như dự án ban đầu đã “vẽ”.
Cụ thể, tại Quyết định số 2369/QĐ-UBND ban hành ngày 23/9/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng điểm dân cư trên có 3 trụ cứu hỏa. Nhưng thực tế hiện tại không có hạng mục trên (có xác nhận của Trưởng xóm và Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến).