Thói quen khiến nhiều người trẻ rối loạn giấc ngủ

GD&TĐ - Rối loạn giấc ngủ đang dần trở thành mối lo của bộ phận người dân, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

Nhiều người trẻ mắc rối loạn giấc ngủ

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để thăm khám và điều trị vì căn bệnh mất ngủ, Trần Thanh Hòa (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Từ nhiều năm trước tôi đã có thói quen thức đêm, đến khi đi làm, nhiều công việc nên cũng lựa chọn cách làm việc vào ban đêm. Tuy nhiên, khoảng 1 năm trở lại đây tôi thấy việc thức đêm không còn là thói quen nữa. Kể cả khi có thời gian nghỉ ngơi tôi cũng không thể ngủ được đúng giờ. Thiếu ngủ triền miên khiến tôi không thể tập trung, luôn có cảm giác bực bội, mệt mỏi và dễ cáu gắt".

Thực tế, trường hợp nói trên không hề hãn hữu đối với người trẻ tuổi ở thời điểm hiện tại. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, Phòng khám rối loạn giấc ngủ, Khoa Nội thần kinh của cơ sở y tế này khám cho gần 20 bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, trong đó có những trường hợp chỉ 18 tuổi, 20 tuổi.

Ngày càng nhiều người trẻ tuổi gặp rối loạn giấc ngủ.

Ngày càng nhiều người trẻ tuổi gặp rối loạn giấc ngủ.

Trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, mỗi năm khoa Thần kinh của cơ sở y tế này tiếp nhận hơn 10.000 trường hợp tới thăm khám và điều trị vì rối loạn giấc ngủ, trong đó khoảng 25% là người ở độ tuổi từ 17-30 tuổi.

Trao đổi về vấn đề này, BSCKII. Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trước đây rối loạn giấc ngủ thường thấy ở những người từ 60 tuổi trở lên nhưng hiện nay gặp nhiều ở nhóm người trẻ và tác hại rất lớn.

"Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người trẻ, ngoài áp lực công việc, stress trong cuộc sống, còn do giới trẻ “nghiện” giải trí, chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn bè thông qua các thiết bị di động. Thói quen này khiến họ thức khuya, để rồi quá giấc và trằn trọc khó ngủ.

Chúng tôi đã điều trị cho một học sinh lớp 12. Do cha mẹ cấm chơi game nên bệnh nhân này lén lút chơi vào ban đêm. Sau thời gian dài mất ngủ, căng thẳng, cứ cầm điện thoại là cảm thấy đau đầu nên bệnh nhân đã đập điện thoại. Lúc này, cha mẹ mới biết con mình thức đêm để chơi game" - BS. Phúc cho hay.

Điều trị rối loạn giấc ngủ.

Điều trị rối loạn giấc ngủ.

Hậu quả chết người

Đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia, rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe con người.

GS.TS.BS. Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 nhấn mạnh: "Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu, nhờ đó mà cơ thể có điều kiện điều hòa lại quá trình chuyển hóa.

Nếu con người không được ngủ trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, dễ cáu gắt, bực bội, trí nhớ giảm, tập trung chú ý giảm, mệt mỏi, năng suất chất lượng công việc, học tập giảm sút; mất thăng bằng, dễ té ngã, lái xe không an toàn; mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường; nguy cơ bị viêm nhiễm cao; tăng nguy cơ bị ung thư...

Ngoài ra mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc; giảm thích ứng trong cuộc sống; có thể bị đột quỵ não; có nguy cơ bị đột tử trong đêm...".

Ở một góc nhìn khác, BS Ngô Thị Huyền - Khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá: "Các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy tình trạng giảm chức năng đáng kể ở người bị rối loạn ngủ mạn tính. Tỷ lệ nghỉ làm, tai nạn lao động cũng như tai nạn giao thông tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy mất ngủ kéo dài là yếu tố nguy cơ quan trọng của rối loạn tâm thần đặc biệt là rối loạn cảm xúc. Nó còn làm tăng nguy cơ trầm cảm và nghiện rượu tái diễn cũng như ảnh hưởng đến các bệnh nhân có đau mạn tính. Mất ngủ mạn tính cũng đặt gánh nặng lớn về kinh tế.

Các chi phí bao gồm dịch vụ khám y tế cơ quan và y tế cấp cứu, chi phí thuốc. Ngoài ra, chi phí gián tiếp như nghỉ làm, giảm hiệu suất làm, tai nạn liên quan mất ngủ cũng gây gánh nặng đáng kể".

Để khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, để hạn chế rối loạn giấc ngủ, BS. Ngô Thị Huyền khuyến cáo người dân có thể thực hiện một số biện pháp giúp bảo vệ giấc ngủ như tập thể dục 3-4 lần mỗi tuần (không tập sát giờ đi ngủ); Hạn chế dùng rượu, cà phê và nicotine; Tạo môi trường ngủ phù hợp; giường ngủ tối, tránh nhiệt độ quá cao và tiếng ồn lớn, đặt đồng hồ trong phòng ngủ tránh khỏi tầm nhìn; Tránh uống nhiều đồ uống vào buổi tối để tránh đi vệ sinh vào ban đêm; Ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ, không ăn nhiều; Sử dụng các kỹ thuật thư giãn và kiểm soát lo âu trước giờ ngủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cơ hội mua nệm giá tốt chính hãng