Khắc phục tình trạng mất ngủ hậu Covid-19

GD&TĐ - Mất ngủ là một trong các loại rối loạn giấc ngủ. Người bị mất ngủ có thể gặp một trong các vấn đề như: Khó đi vào giấc ngủ; Thường xuyên thức giấc giữa đêm; Thức dậy sớm hơn mong đợi và không ngủ lại được.

Nhiều bệnh nhân mất ngủ hậu Covid-19.
Nhiều bệnh nhân mất ngủ hậu Covid-19.

Nguyên nhân gây mất ngủ

Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, thành viên Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ F0, mất ngủ gây ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày. Đồng thời, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung…

Từ đó, dẫn đến các nguy cơ như ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm hiệu suất công việc… Ngoài ra, mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch và toàn thân. Cụ thể, người mất ngủ thường xuyên có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, gặp các vấn đề tâm thần như lo âu, trầm cảm, suy nghĩ tự sát.

Ngoài ra, họ cũng đối mặt với tình trạng hệ miễn dịch suy yếu, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn. Hệ chuyển hóa bị rối loạn, tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường. Trong khi đó, phụ nữ mang thai bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ sinh con nhẹ cân, sinh non.

Lý giải về nguyên nhân nhiều người mất ngủ hậu Covid-19, bác sĩ Mạnh Cường cho biết, stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của nhiều người.

Trong khi đó, ThS. BSCK II. Bùi Thanh Tiến - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc giải thích, khi bị nhiễm Covid-19, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những thứ khác thúc đẩy quá trình viêm chống lại virus.

Nếu hệ miễn dịch của cơ thể không kiểm soát đúng cách, nó sẽ gây hại cho chính tế bào thần kinh của người bệnh. Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ gây nên các chứng rối loạn giấc ngủ, đau đầu…

Giảm mất ngủ hậu Covid-19

Đối với phương pháp giảm mất ngủ hậu Covid-19, bác sĩ Tiến nhấn mạnh: “Hạn chế ánh sáng xanh. Đây là khuyến cáo đầu tiên của tôi với những bệnh nhân mất ngủ hậu Covid-19. Khi bị Covid-19, phải cách ly, với nhiều người niềm vui lớn nhất là dùng điện thoại, vi tính.

Nhưng nếu tiếp xúc với ánh sáng xanh nhiều giờ, đặc biệt vào ban đêm, trí não sẽ bị kích thích, chuyển trạng thái hưng phấn sang ức chế. Vô hình chung, đó cũng là một nguyên nhân khiến không thể ngủ sâu giấc”.

Ngoài ra, bác sĩ Tiến cũng chia sẻ một số phương pháp cải thiện giấc ngủ khác như tập thể dục thay vì xem điện thoại để ngủ, thiết lập thói quen ngủ sớm và đúng giờ, không ngủ bù vào buổi trưa. Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung thịt đỏ, sử dụng mật ong, tâm sen… và hạn chế tối đa chất kích thích.

Bác sĩ Mạnh Cường chia sẻ, để điều trị mất ngủ hậu Covid-19 ở trẻ em, phụ huynh cần giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp (27-29 độ C) tuỳ độ tuổi từng bé. Ngoài ra, giữ đệm, gối thoải mái, không mặc hoặc quấn tã cũng là yếu tố quan trọng. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ, thường là nhạc không lời. Lưu ý, không cho trẻ bú quá no vì có nguy cơ sặc sữa cao.

Phụ huynh được khuyến khích bổ sung vitamin nhóm B cho trẻ như: B3, B6, B12. Đồng thời, có thể massage cổ vai gáy cho bé, cũng như tắm nắng sớm cho con. Cha mẹ cũng cần chăm sóc da liễu cho trẻ một cách khoa học, kết hợp tắm và lau người thường xuyên.

Trong khi đó, với người lớn mất ngủ hậu Covid-19, bác sĩ Cường khuyên nên tránh uống trà, cà phê trong 6 - 8 giờ trước khi ngủ. Đồng thời, tránh hút thuốc, uống rượu bia trước giờ ngủ. Cụ thể, người mất ngủ hậu Covid-19 thường thức giấc nhiều lần trong đêm. Trong khi đó, rượu/bia có nguy cơ “hạ gục” người dùng, thay vì mang lại giấc ngủ tự nhiên.

Theo chuyên gia này, có nhiều loại thuốc điều trị mất ngủ hậu Covid-19. Mỗi loại có tác dụng khác nhau. Tuy nhiên, những loại thuốc này đều có điểm chung là gây buồn ngủ, giảm lo lắng, căng thẳng ở người bệnh trước giờ ngủ.

Bác sĩ Cường gợi ý một số thuốc ngủ thảo dược có thành phần từ: Tâm sen, táo nhân, lạc tiên, lá vông nem, trinh nữ, bình vôi... Tuy nhiên, bác sĩ Cường khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc tây y như: Melatonin; Thuốc kháng histamin H1 chlophenaramine; thuốc an thần, bình thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ