Cần làm gì khi nửa đêm thường xuyên... mất ngủ?

GD&TĐ - Ngủ và thức là hai trạng thái đối lập mang tính sinh tồn của hầu hết mọi người. Cá biệt, trên thế giới người ta ghi nhận có người chưa ngủ bao giờ.

Khi bị mất ngủ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân.
Khi bị mất ngủ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân.

Nói chung, ngủ là quy luật của tự nhiên, nhằm giúp cho cơ thể nghỉ ngơi, nhờ đó mà tái tạo sức lao động và học tập. Theo ước tính, 1/3 thời gian trong cuộc đời chúng ta chỉ để… ngủ. Tuy nhiên, đâu phải nói ngủ là… ngủ. Đâu phải chỉ cần lên giường nhắm mắt là… ngủ.

Điều bí ẩn về giấc ngủ

Bình thường, nhiều người có một giấc ngủ ngon… “thẳng cẳng” từ trước lúc nửa đêm cho đến khi ánh bình minh lên. Tuy nhiên, cũng có những người cứ sau lúc nửa đêm là thức giấc. Rồi nằm thức trằn trọc cho đến sáng. Họ không biết mình có phải mắc bệnh mất ngủ hay không? Và đâm ra lo lắng cho sức khỏe.

Thật ra, với biểu hiện như thế thì không thể kết luận là đang mắc bệnh mất ngủ. Đây chỉ mới là biểu hiện ban đầu của một sự trục trặc nào đó trong cơ thể mà thôi. Biểu hiện này có thể là tạm thời, kéo dài 1 - 3 tuần, rồi sau đó có lại được giấc ngủ bình thường, nhưng cũng có thể kéo dài hơn, khiến phải lo lắng. Và lúc này thì đúng là mắc bệnh mất ngủ thật rồi!

Giấc ngủ con người cũng còn “che giấu” nhiều điều bí ẩn, cho dù các nhà chuyên môn từ cổ đến kim đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu. Thuốc ngủ cho những đêm mất ngủ thật ra không phải là giải pháp tối ưu.

Những nghiên cứu chuyên sâu về bản chất của sự mất ngủ đã đề ra các phương pháp không dùng thuốc, phù hợp với tự nhiên của cơ thể và đặc biệt là không có tác dụng phụ gây nguy hại cho người dùng thuốc.

Uống cà phê buổi tối dễ gây mất ngủ.

Uống cà phê buổi tối dễ gây mất ngủ.

Các yếu tố liên quan đến mất ngủ

Khi giấc ngủ bình thường bị xáo trộn, nghĩa là có biểu hiện mất ngủ hãy “đối chiếu” với các yếu tố liên quan sau đây, để kịp thời điều chỉnh:

Thời điểm đi ngủ: Trong vòng 24 giờ, giấc ngủ là điều tự nhiên phải có ở con người và nhiều loài động vật nhằm tái tạo lại năng lượng hoạt động cho ngày tiếp theo. Thời điểm đi ngủ dần được hình thành theo thói quen và công việc của mỗi người. Thời điểm có thể khác nhau giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Nếu vì một lý do nào đó mà thời điểm đi ngủ trong ngày tạm thời thay đổi thì giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng.

Một giấc ngủ tốt sẽ mang lại sự sảng khoái sau khi thức giấc. Để được vậy, sau khi lên giường, nhắm mắt là… ngủ. Một khi đã thức giấc thì không nên “nướng” thêm thời gian thức ở trong tư thế ngủ. Hiệu quả của giấc ngủ không chỉ phụ thuộc vào khoảng thời gian ngủ, mà còn phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ. Thời gian ngủ trung bình của một người là 6 – 8 giờ/ngày.

Tuy nhiên, khoảng thời gian này có thể dài hơn hay ngắn hơn tùy thuộc vào tuổi tác và tùy thuộc đặc điểm riêng của từng người. Dù ngắn hơn hay dài hơn mà vẫn cảm thấy thoải mái, hiệu quả học tập hay làm việc đều tốt thì không có vấn đề gì đáng phải nói cả.

Các chuyên gia khuyên ngủ đúng giờ và thức giấc đúng thời điểm theo thói quen đã có luôn là điều tốt nhất.

Nỗi lo toan khi ngủ: Nếu nỗi lo toan về công việc hoặc về một vấn đề gì đó được mang theo lên giường cùng với giấc ngủ, thì mất ngủ sẽ là điều khó tránh khỏi. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Hãy để nỗi lo toan vào ống giày trước khi lên giường ngủ”.

Nếu như có chuyện gì đó cho ngày mai cần sự cân nhắc và tính toán thì hãy cứ ngồi cân nhắc và tính toán đi. Lên giường ngủ là quên hết. Có như vậy, một giấc ngủ ngon mới đến.

Tác động của ăn uống: Nước trà, cà phê nếu sử dụng vào buổi chiều hoặc tối sẽ làm cho nhiều người trằn trọc suốt năm canh. Vài cốc bia, rượu có thể mang lại giấc ngủ êm đềm nhờ tác dụng ức chế thần kinh. Nhưng sự lạm dụng sẽ là điều có hại cho sức khỏe vì sự lệ thuộc của cơ thể vào bia rượu. Do vậy, tốt nhất là không nên đi tìm giấc ngủ qua các chất có men.

Lượng nước đưa vào cơ thể, qua nước uống, thức ăn trước khi đi ngủ cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì cơn buồn tiểu sẽ đánh thức chúng ta dậy vào lúc nửa đêm.

Phòng ngủ là nơi để… ngủ: Có nhiều người biến phòng ngủ thành nơi làm việc, ăn uống. Điều này thật sai lầm và tai hại cho giấc ngủ. Bàn bạc công việc, cãi vã trên giường ngủ sẽ giết chết giấc ngủ.

Các tác động khác: Làm việc nhiều bằng chân tay, tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong ngày sẽ mang lại giấc ngủ ngon vào ban đêm. Với các cặp vợ chồng thì cảm giác ân ái cũng mang lại giấc ngủ nhanh chóng và thanh bình. Dầm chân vào nước nóng hay tắm nước nóng trước khi đi ngủ, áo quần, chăn gối sạch sẽ thoải mái, không gian lãng mạn, yên tĩnh cũng giúp cho giấc ngủ được tốt hơn.

Tập yoga đúng cách sẽ giúp giấc ngủ sâu hơn.

Tập yoga đúng cách sẽ giúp giấc ngủ sâu hơn.

Các phương pháp dẫn dắt giấc ngủ

Đếm số: Có một số phương pháp thường được khuyến cáo để dẫn dắt giấc ngủ như là phương pháp đếm số: Nhẩm đếm đều dặn từ số 1 đến… khi ngủ. Hoặc đếm từ số 999 lui dần sau khi trừ bớt 7.

Hiệu quả của yoga: Nằm ngửa, hai tay đặt lên ngực. Hít một hơi thật sâu, nín thở. Nhẩm đếm 1, 2, 3. Thở ra nhẹ nhàng, dài hơi để ép hết không khí ra khỏi lồng ngực. Lặp đi lặp lại động tác này cho đến khi ngủ. Nhiều người cho đây là phương pháp khoa học và hiệu quả nhất để chống lại chứng mất ngủ sau lúc nửa đêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.