Thổi hồn sáo Mèo trong trường học

GD&TĐ - Năm 2023, thầy giáo Trịnh Bá Tuấn (40 tuổi), được phong tặng danh hiệu cao quý - Nhà giáo Tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất.

Thầy giáo Trịnh Bá Tuấn (người ôm Bằng khen) tại Lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh, lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Trịnh Bá Tuấn (người ôm Bằng khen) tại Lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh, lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Trịnh Bá Tuấn, sinh ra và lớn lên ở xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Hiện nay, NGTB Trịnh Bá Tuấn là giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc, kiêm Tổng phụ trách Đội, Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa).

Thầy giáo đam mê tiếng sáo Mèo

Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng từ nhỏ đã có niềm đam mê âm nhạc và thể thao, nên sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai Trịnh Bá Tuấn đã đăng ký dự thi vào khoa Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tháng 10/2006, sau khi tốt nghiệp khoa Âm nhạc, ĐH Sư phạm Hà Nội, Trịnh Bá Tuấn nhận quyết định công tác ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).

Thế nhưng, nơi công tác đầu tiên của chàng giáo sinh mới ra trường, lại là một vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, đó là Trường Tiểu học Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa).

Nhớ lại ngày đầu lên công tác ở Mường Chanh, nhà giáo tiêu biểu (NGTB) Trịnh Bá Tuấn kể: “Ngày lên công tác ở Trường Tiểu học Mường Chanh, đó là ngày mà bản thân tôi không bao giờ quên được. Một mình vượt 200km lên Mường Lát bằng một chiếc xe gắn máy “cà tàng”, không có biển số. Trên xe là đồ vật dụng, chăn, màn, gối, chiếu… cồng kềnh đến mức không thể dựng bằng chân chống, mà phải tựa vào vách núi.

Lên đến Mường Lát, nhìn thấy bạn bè có người nhà đưa chân lên nhận công tác và đã được phân ở các trường gần trung tâm thị trấn, mà mình tủi thân. Bởi lẽ, bố, mẹ đã già yếu, nên chỉ có một mình lên vùng cao biên giới nhận công tác, hơn nữa, lại không quen biết ai. Tôi được cấp trên phân công lên Trường Tiểu học Mường Chanh - một ngôi trường xa xôi và khó khăn nhất nhì của huyện lúc bấy giờ”.

Trong trí nhớ của NGTB Trịnh Bá Tuấn, ngày ấy, lối lên xã Mường Chanh vô cùng gian nan, vất vả. “Sau hơn 2 giờ đồng hồ, tôi “đánh vật” với cung đường gần 40km đường rừng từ thị trấn Mường Lát lên xã Mường Chanh. Phải nói rằng, ở thời điểm ấy, để vượt qua cung đường đó, có lẽ nếu có ngựa đi, thì sẽ nhanh hơn “bò trườn” bằng xe máy”, thầy Tuấn chia sẻ.

Nhà giáo tiêu biểu Trịnh Bá Tuấn. Ảnh: NVCC

Nhà giáo tiêu biểu Trịnh Bá Tuấn. Ảnh: NVCC

Cũng theo thầy Tuấn, ở Mường Chanh - nơi thầy giáo trẻ nhận công tác là địa phương “nhiều không”. Không điện, không đường, không sóng điện thoại, còn trường học thì vô cùng khó khăn.

“Ngày ấy, cả Mường Chanh chỉ có một điện thoại bàn ở bưu điện xã. Vài tuần, nếu muốn gọi về cho gia đình, tôi phải đi 4km. Có hôm, thời tiết âm u, tín hiệu sóng yếu cũng không gọi được. Cuộc sống của người dân ở Mường Chanh càng khó khăn gấp bội. Học sinh không đủ cơm ăn, quần, áo không đủ mặc. Đội ngũ các thầy, cô giáo cũng vô cùng cơ cực. Thực sự, đến bây giờ, tôi không thể diễn tả hết những khó khăn của ngày ấy”, thầy Tuấn tâm sự

Năm 2018, thầy giáo Tuấn được chuyển về công tác tại Trường TH&THCS thị trấn huyện Mường Lát. Là ngôi trường ở trung tâm huyện và cũng đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, được Ban Giám hiệu rất quan tâm giúp đỡ, nên đó cũng là động lực để Nhà giáo tiêu biểu này tiếp tục cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong quá trình công tác.

Cũng do năng khiếu và niềm đam mê, mà thầy Tuấn mày mò học tập thêm các loại nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ sáo Recorder. Vì thế, Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát giới thiệu về Sở, rồi lên Bộ GD&ĐT về năng lực chuyên môn đối với môn nhạc cụ sáo Recorder. Do đó, thầy Tuấn được làm trợ giảng của Bộ GD&ĐT và là báo cáo viên về sáo Recorder của Sở GD&ĐT cho đội ngũ giáo viên Âm nhạc toàn tỉnh Thanh Hóa.

Nhà giáo tiêu biểu Trịnh Bá Tuấn trích đoạn độc tấu bản nhạc "Xuân về trên bản Mông" bằng cây sáo Recorder. Clip do nhân vật cung cấp.

“Cái duyên vì yêu thích tiếng sáo Mèo, tôi đã quyết tâm tự học. Sau nhiều năm tự học bởi niềm đam mê sáo, đến nay ngoài sáo Mèo, tôi đã chơi được tất cả các loại sáo, như: Sáo trúc, Sáo bầu, Sáo Recorder các loại. Đặc biệt, sáo Recorder hiện nay là nhạc cụ chính thức của ngành Giáo dục”, thầy Tuấn chia sẻ.

Tấm gương sáng giáo dục vùng biên

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Giang - Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát cho biết, thầy Trịnh Bá Tuấn là giáo viên có phương pháp dạy học đúng nội dung chương trình gắn với chuẩn kiến thức, kĩ năng âm nhạc và kĩ năng sống; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cũng theo thầy Giang, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, thầy Tuấn còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, như: “Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu Âm nhạc cho học sinh Tiểu học Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát”. Đạt loại B cấp huyện năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023.

"Thầy giáo Tuấn đã đưa vào sáng kiến kinh nghiệm những bài thực hành mới, để giúp HS thể hiện được năng khiếu của mình, đồng thời phát hiện và thành lập các câu lạc bộ, nhằm bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho HS. Sau khi áp dụng SKKN đã có rất nhiều HS phát triển được năng khiếu về thanh nhạc, nhạc cụ đàn organ, nhạc cụ giai điệu sáo Recorder...

Sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm nêu trên, tỷ lệ HS phát triển năng khiếu của nhà trường tăng lên rõ rệt. Số HS hoàn thành tốt môn Âm nhạc tăng rất cao, không còn HS chưa hoàn thành môn âm nhạc”, thầy Giang thông tin.

Thầy giáo Tuấn dạy học trò môn nhạc cụ sáo Recorder. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Tuấn dạy học trò môn nhạc cụ sáo Recorder. Ảnh: NVCC

Được biết, từ khi về công tác tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát, liên tục trong nhiều năm, thầy giáo Trịnh Bá Tuấn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Năm học 2019- 2020, thầy Tuấn đoạt giải Nhất tại Hội thi “Cán bộ Công đoàn cơ sở giỏi” cấp huyện, giải Nhất tại hội thi “Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi” cấp tỉnh.

Cũng trong năm học 2019- 2020, thầy Tuấn đạt danh hiệu “Thí sinh hùng biện hay nhất” của hội thi “Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi” cấp tỉnh... Đặc biệt, nhiều năm thầy Tuấn đoạt giải Nhất, Nhì, Ba thể loại độc tấu Hội thi tiếng sáo Recorder cấp tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc Sở GD&ĐT tặng nhiều giấy khen.

Theo Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát, hiện tại, gia đình thầy giáo Trịnh Bá Tuấn đang công tác và học tập xa nhau. Thầy Tuấn công tác ở huyện Mường Lát, còn vợ thầy đang làm việc tại huyện Quan Hóa (cách nhau 100km). Con gái đầu đang học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Em Trịnh Lê Đan (con gái của thầy Tuấn), là học sinh lớp 9 của nhà trường đã đạt 42,30 điểm trong kỳ thi vào lớp 10 (năm 2023), Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa. Với thành tích ấy, em Lê Đan được Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa vinh danh là HS xếp hạng Ba của kỳ thi tuyển vào lớp 10.

“Thầy Trịnh Bá Tuấn là một giáo viên nhiệt tình trong công việc, sống có trách nhiệm và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thầy Tuấn cũng là giáo viên cốt cán của tỉnh đối với môn Âm nhạc; tham gia hội đồng chọn SGK thực hiện Chương trình GDPT mới.

Nhiều năm liền, thầy Tuấn đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, được chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Gần đây nhất, thầy Tuấn đã được Sở GD&ĐT Thanh Hóa vinh danh Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh", thầy Nguyễn Văn Giang, Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ