Lặn lội lo bán trú cho trẻ nghèo
Nữ nhà giáo Hàn Thị Giang (39 tuổi) rời quê từ xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá), để theo nghề nuôi dạy trẻ ở vùng biên giới Mường Lát xa xôi và đầy rẫy những khó khăn, vất vả.
Tháng 12/2004, cô giáo Hàn Thị Giang được cấp trên điều động lên dạy học ở Trường Mầm non thị trấn Mường Lát. Đến tháng 1/2008, cô Giang được điều động làm cán bộ chuyên môn ở Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát.
Từ tháng 1/2010, cô Giang được bổ nhiệm giữ chức Hiệu Trưởng trường Mầm non Nhi Sơn và từ tháng 1/2020 đến nay, cô giữ chức Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát).
Từ năm 2021 đến nay, nhà trường không có Phó Hiệu trưởng, nên một mình nữ nhà giáo này phải “gánh vác” mọi việc của một người quản lý vô cùng vất vả. Bởi lẽ, Tam Chung là một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, có đường biên giới dài 8 km, có 8 thôn, bản. Ở địa phương này có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, là: Thái, Mường, Mông, Kinh, trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 48%.
Cô giáo Giang đang lo bữa ăn cho trẻ ở điểm lẻ bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: NVCC |
Trường Mầm non Tam Chung có 7 điểm trường, một điểm đặt tại trung tâm xã và 6 điểm lẻ đặt tại các bản. Nhà trường có 18 nhóm lớp với 315 trẻ. Địa hình phức tạp, nên việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Bản Ón cách điểm trường chính hơn 20km đường rừng. Trẻ ở đây đều là con, em đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước, do điều kiện kinh tế của địa phương vô cùng khó khăn, nên cơ sở vật chất của điểm trường chưa được đầu tư, xây dựng. Điểm trường bản Ón có 59 trẻ, nên nhà trường phải bố trí 3 cô giáo chính và 2 cô hợp đồng để phụ thêm việc nấu ăn bán trú cho các bé.
Mặc dù 3 năm qua, Trường Mầm non Tam Chung không có Phó hiệu trưởng để cùng “gánh vác” công việc quản lý với Hiệu trưởng, nhưng nữ nhà giáo Hàn Thị Giang vẫn luôn cố gắng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nữ nhà giáo này đã tập hợp được sự đoàn kết của tập thể, để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đúng tiến độ thời gian, có hiệu quả tốt.
Nhiều năm qua, nhà trường luôn hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ năm học. Huy động trẻ đến lớp đạt kế hoạch giao. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 67,2%. Chất lượng giáo dục đạt trên 97%; chất lượng chuyển giao trẻ 5 tuổi vào lớp một đạt 100%.
Năm học 2023 - 2024 nhà trường đã nhân rộng thêm 1 điểm trường lẻ ăn bán trú, nâng lên 4/7 điểm trường tổ chức bán trú. Đây cũng là trường đầu tiên của bậc học Mầm non ở Mường Lát có nhiều điểm trường lẻ ăn bán trú.
Nhờ sự kết nối của Báo GD&TĐ, những đứa trẻ ở điểm lẻ bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung được ngủ trên những chiếc giường lưới ấm áp. Ảnh: NVCC |
Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đạt chuẩn “Trường học an toàn về an ninh trật tự”; Đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”...
Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát nhận xét: “Không chỉ đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà giáo Hàn Thị Giang còn là tấm gương sáng trong công tác xã hội hóa, xây dựng bữa ăn bán trú cho trẻ, vượt khó để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
Chúng tôi luôn tin tưởng tấm lòng nhiệt huyết, tận tâm và trách nhiệm của cô Giang sẽ được lan tỏa, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng biên giới khó khăn”.
Đặc biệt, trong vài năm qua, nữ nhà giáo Hàn Thị Giang đã huy động được bếp nấu ăn, giếng khoan, téc chứa nước tại điểm trường bản Ón, với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, cô giáo Giang kết nối với các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để nuôi ăn bán trú cho trẻ; huy động nhu yếu phẩm cho trẻ; huy động được các nhà tài trợ về đồ dùng, thiết bị phục vụ cho công tác ăn bán trú tại các điểm trường lẻ trị giá, hơn hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay, nhà trường đã tổ chức được bữa ăn bán trú cho trẻ ở các điểm lẻ, gồm: Bản Ón, bản Poọng, Suối Lóng và bản Lát.
Tâm nguyện của nữ nhà giáo
Trò chuyện với Báo GD&TĐ, nữ nhà giáo Hàn Thị Giang cho biết: Tâm nguyện thì rất nhiều, nhưng trước mắt nhà trường mong muốn cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn, để có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ tốt hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục để trẻ được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Nữ nhà giáo Hàn Thị Giang đang chăm sóc trẻ. Ảnh: NVCC |
“Hiện tại, nhà trường mới tổ chức bán trú cho trẻ được 4 điểm trường. Vì vậy, chúng tôi đang phấn đấu và nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm để sang năm học tới, sẽ tổ chức bán trú cho các con ở những điểm lẻ còn lại”, cô Giang thông tin.
Cũng theo cô Giang, trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng, ban, ngành đoàn thể. Bên cạnh đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh đóng góp ủng hộ, phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
“Nâng cao chất lượng toàn diện là mục tiêu phấn đấu của nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động số trẻ trên địa bàn ra lớp, đóng góp kinh phí xây dựng cải tạo cơ sở vật chất có hiệu quả...”, cô Giang tâm sự.
Tuy nhiên, do nhà trường có tới 7 điểm lẻ, địa hình rộng, sự phân bố dân cư không đồng đều, nên các điểm trường còn cách xa nhau. Vì thế, có những khó khăn rất lớn công tác quản lí, chỉ đạo chuyên môn cũng như đầu tư về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh trực quan, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng với yêu cầu của phổ cập.
Với suy nghĩ, có làm tốt được công tác phổ cập, thì mới nghĩ đến chuyện vận động phụ huynh của trẻ cho các con ăn bán trú ở trường. Vì vậy, cô Giang đã cùng giáo viên của mình trong trường xác định phải làm tốt công tác phổ cập GDMN trên địa bàn.
Niềm hạnh phúc của nữ nhà giáo và những đứa trẻ. Ảnh: NVCC |
Các nữ giáo viên nhà trường luôn động viên nhau lặn lội đi bản vào những buổi chiều muộn. Vì nếu vào ban ngày, thì cha mẹ của trẻ lên nương rẫy đi làm, không thể gặp và nói chuyện được. Nhiều gia đình có tâm lý không muốn đưa trẻ tới trường khi đang nhỏ tuổi.
“Thời gian trước, khi điểm lẻ bản Ón chưa tổ chức ăn bán trú được, lại càng khó vận động hơn. Rất may, hiện nay điểm trường xa xôi, khó khăn nhất này đã tổ chức ăn bán trú cho các con được, đó là một điều chúng tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc”, cô Giang bộc bạch.
Với 19 năm công tác ở một huyện vùng cao, biên giới xa xôi và khó khăn, vất vả nhưng nữ nhà giáo Hàn Thị Giang không chùn bước. Hằng ngày, nữ nhà giáo ấy vẫn lặn lội, băng rừng, lội suối đến với từng gia đình phụ huynh của trẻ ở các bản xa xôi, hẻo lánh để vận động cho các con đến trường.
Những năm qua, nữ Nhà giáo tiêu biểu Hàn Thị Giang đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận và vinh dự nhận được nhiều giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mường Lát. Đặc biệt, năm học 2022-2023, cô giáo Hàn Thị Giang đang được cấp trên đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.
Trong năm học 2020 - 2021:, cô giáo Giang đã có sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác xã hội hóa Giáo dục tại trường mầm non Tam Chung huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá”, kết quả đạt loại A, được Hội đồng khoa học huyện Mường Lát đánh giá, xếp loại.
Năm 2020 - 2021, sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác Xã hội hóa Giáo dục tại trường mầm non Tam Chung huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá”, của cô Giang đạt loại C, được Hội đồng khoa học ngành giáo dục tỉnh Thanh Hoá đánh giá, xếp loại.