Thời hoàng kim của… mùi cơ thể

GD&TĐ - Có một lần trước khi từ chiến trường trở về, Đại đế Napoléon Bonaparte gửi thư cho ái hậu Joséphine de Beauharnais với nội dung: “Ta đang quay lại, nàng đừng tắm!”.

“Chúng tôi chỉ tắm 2 lần trong năm, một lần trước Lễ Giáng sinh và một lần trước Lễ Phục sinh”, Thánh Ulrich của Zell (1029 - 1093, Đức).
“Chúng tôi chỉ tắm 2 lần trong năm, một lần trước Lễ Giáng sinh và một lần trước Lễ Phục sinh”, Thánh Ulrich của Zell (1029 - 1093, Đức).

 Đối với người Pháp thời Trung cổ, mùi hôi của cơ thể mang... sự hấp dẫn không thể chối từ. Khi muốn bày tỏ tình cảm, phụ nữ Anh kẹp vỏ táo tươi dưới nách cho ngấm mùi rồi gửi tới người thương làm... quà. Đàn ông Bungari thì ve vẩy chiếc khăn tay ướt đẫm mồ hôi... dụ dỗ phái đẹp. 

Văn hóa ngại tắm

Cho đến bây giờ, người Pháp vẫn tranh cãi về ý nghĩa của bức thư có một không hai nêu trên do chính tay Napoléon Bonaparte (1769 - 1821) thảo. Ông thật sự thích mùi cơ thể của Joséphine de Beauharnais (1763 - 1814) hay chỉ cố ý nói vậy để ngăn bà lang chạ với đàn ông khác?

Đương thời, Joséphine nổi tiếng là người phụ nữ quyến rũ. Trước khi sánh vai với Đại đế, bà từng là vợ của Tướng quân   Alexandre de Beauharnais (1760 - 1794). Sử sách Pháp ghi nhận, Joséphine đẹp diễm lệ nhưng cũng khá lẳng lơ. Nhiều người một mực cho rằng, Napoléon chỉ “Ta đang quay lại, nàng đừng tắm!” để bảo đảm ái hậu không nhân lúc vắng quân vương mà tiếp đón đàn ông khác. 

Những người khác lại tin, lời nhắn của vị vua này chẳng mang ẩn ý nào cả. Bởi vì xét cho cùng, Napoléon cũng chỉ là một đàn ông Pháp. Cho đến tận cuối thế kỷ XVIII, người Pháp vẫn say mê... mùi mồ hôi. Họ chỉ tắm rửa nhiều nhất là 1 lần/tháng.

Mặc dù, Pháp thuở phong kiến không thiếu các nhà tắm công cộng thời thượng, mọi người không hay tắm gội. Họ thậm chí đánh đồng những người ưa sạch sẽ với kẻ dâm dục. Ngay cả các bác sĩ cũng ngộ nhận, tắm có hại cho sức khỏe và gây bệnh tật. 

Xuất phát từ tín ngưỡng

Napoléon Bonaparte và Joséphine de Beauharnais.
 Napoléon Bonaparte và Joséphine de Beauharnais.

Không như y học ngày nay, các thầy thuốc phương Tây thời trung đại bị ảnh hưởng rất nhiều từ mê tín. Thế kỷ XVI ở Pháp, họ vẫn tưởng bệnh tật là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nó giáng xuống những kẻ vô thần hoặc phạm phải điều cấm kỵ. 

Điều cấm kỵ lớn nhất trong tín ngưỡng Kito là “ham muốn thể xác”. Các tín đồ được thuyết giảng phải giữ thân trong sạch, chỉ quan hệ với đối tác hợp pháp. Tắm là hành vi tiếp xúc thân thể. Giáo hội cho rằng, nó mang đến cám dỗ và dẫn con người vào sự sa đọa. Họ răn dạy các con chiên không được tắm quá nhiều. Các cá nhân càng ít tắm bao nhiêu thì càng được khen là ngoan đạo bấy nhiêu. 

Nguồn gốc của lời răn “cấm tắm” đến từ một thực tế đáng xấu hổ ở Pháp: Mại dâm. Bất chấp cấm kỵ “ham muốn thể xác”, đàn ông Pháp không ngăn được thói phong lưu. Họ thường xuyên ghé các nhà thổ hoặc giở trò sở khanh với con gái nhà lành. Hệ thống nhà tắm công cộng trên khắp vương quốc biến thành địa bàn hoạt động của gái mại dâm. Các cô gái bán thân trắng trợn lôi kéo khách, khiến Giáo hội buộc phải tìm cách ngăn chặn sự bại hoại đang gia tăng chóng mặt. Cuối cùng, họ đổ lỗi cho... tắm, áp đặt nó thành căn nguyên của “tội lỗi dơ bẩn”. 

Phổ biến khắp châu Âu

Châu Âu thời Trung cổ xem tắm như căn nguyên của tội lỗi ham muốn thể xác.
Châu Âu thời Trung cổ xem tắm như căn nguyên của tội lỗi ham muốn thể xác.

Không riêng gì ở Pháp, nhiều quốc gia khác tại phương Tây cùng thời cũng cực kỳ ghét tắm. Thánh Ulrich của Zell (1029 - 1093, Đức) thừa nhận, “Về phòng tắm của chúng tôi ấy à... thực ra cũng chẳng có gì nhiều để nói. Chúng tôi chỉ tắm 2 lần trong năm, một lần trước Lễ Giáng sinh và một lần trước Lễ Phục sinh”. 

Cũng như ở Pháp, nhà tắm công cộng nhan nhản tại các nước châu Âu. Trong những kiến trúc này, đàn ông và phụ nữ được phép tắm chung. Họ thấy cơ thể của nhau và đôi khi nảy sinh ham muốn, dẫn tới quan hệ bất chính. Các gái mại dâm cũng lợi dụng cơ hội kiếm khách. Vào thế kỷ XIII, một nhà thờ còn đặt ra quy tắc: “Nếu đàn ông tắm cùng vợ hoặc đàn bà khác, vì thấy họ lõa thể mà nảy sinh ham muốn thì phải nhịn đói đúng đủ 3 ngày”. 

Trong khi Giáo hội răn “cấm tắm”, chính quyền địa phương tại các nơi lại cố ý tảng lờ thực trạng mại dâm. Nó dẫn đến hậu quả khôn lường là sự bùng nổ của dịch bệnh giang mai. Thế kỷ XV, châu Âu gần như phát loạn vì loại bệnh lây qua đường tình dục này. Bước sang thế kỷ XVI, lượng người ghé các nhà tắm công cộng dần giảm xuống. “Nếu 25 năm trước, phải đi nhà tắm ở Brabant mới là người thời thượng thì bây giờ hoàn toàn ngược lại”, triết gia Desiderius Erasmus (1466 - 1536, Hà Lan) ghi nhận vào năm 1526, “dịch bệnh đã dạy chúng tôi biết là nên tránh tới những nơi như thế này”.

 Dù y học phương Tây thời đó cũng thừa biết giang mai là bệnh lậu, họ vẫn đổ lỗi cho tắm và kéo dài thời gian không tắm. Ngay cả Nữ hoàng Elizabeth I (1533 - 1603) cũng chỉ vệ sinh thân thể mỗi tháng một lần. Cùng với không tắm, người ta say mê mùi mồ hôi. Tại Anh, thiếu nữ lấy vỏ táo kẹp dưới nách, để nó ngấm mùi rồi gói thành quà, tặng người hứa hôn. Trong các bữa tiệc khiêu vũ ở Bungari, đàn ông để khăn tay vào nách, nhảy múa đến đổ mồ hôi ướt đẫm thì lấy ra, vẫy dưới mũi các cô gái trẻ. 

Mãi đến tận thế kỷ XIX, phương Tây mới nhận ra tắm rửa thường xuyên quan trọng đến thế nào. Cũng kể từ lúc này, họ ghê tởm mùi của cơ thể. Nghề chế tạo nước hoa bắt nhịp sự biến đổi, giới thiệu các loại hương thơm che giấu, xóa sổ mùi mồ hôi. Nước hoa ngày càng phát triển, biến thành ngành công nghiệp đáng giá tỷ USD trên toàn cầu. 

Ngày nay, chẳng có ai lại tự hào khoe mẽ hay lấy mùi cơ thể ra làm tuyệt chiêu quyến rũ. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, con người quả thực cũng có phần bị hấp dẫn bởi mùi của đối tượng khác giới. Các nhà khoa học cho rằng, tồn tại sự liên hệ giữa mùi cơ thể và ham muốn tình dục. Dù đã phát triển lên lớp người, nhân loại vẫn giữ lại bản năng tự nhiên này. Dẫu vậy, chắc cũng chẳng có đàn ông hay phụ nữ nào lại muốn quay về thời đại tán tỉnh nhau bằng... hương cơ thể lâu ngày không tắm. 

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.