Quân đội Napoleon chết đói khi rút quân khỏi Nga

Các nhà khảo cổ phát hiện ngôi mộ tập thể hơn 3.000 binh sĩ của Napoleon, đa phần chết vì đói trong cuộc xâm lược nước Nga.

Quân đội Napoleon chết đói khi rút quân khỏi Nga
1-4555-1440400110.jpg

Bức tranh Napoleon rút lui khỏi Moscow của Adolf Northern. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo Ancient Origins, khoảng 675.000 binh sĩ nằm trong đội quân Grand Army của Hoàng đế Pháp Napoleon lên đường tới Moscow để chinh phục nước Nga, vào tháng 6/1812. Tuy nhiên, khi rút quân khỏi Moscow vào tháng 9, số lượng binh sĩ giảm xuống chỉ còn 100.000 người.

Khi rút lui đến Vilnius ở Lithuania, số quân của Napoleon không còn quá lớn. Những người sống sót lúc này (khoảng 50.000 người) phải chống chọi với bệnh tật, chịu đói, chịu lạnh, bị ký sinh trùng cắn và số lương thực dự trữ chỉ đủ dùng trong 40 ngày.

Tài liệu lịch sử để lại cho thấy, những người lính đã cướp phá vùng lân cận Vilnius trên đường tiến đến Nga và trên đường quay trở về châu Âu. Vì vậy, người dân địa phương ở đây không chứa chấp họ. Số binh sĩ sống sót nhanh chóng ăn hết lượng lương thực dữ trữ mà Napoleon chuyển đến Vilnius. Sau đó nhiều người bị chết đói, mắc bệnh và cảm lạnh. Người dân địa phương đốt cháy các thi thể, hoặc chôn họ xuống những chiến hào do binh sĩ đào trên đường hành quân đến Nga.

Năm 2001, giới khảo cổ học khai quật được ngôi mộ tập thể với hài cốt của 3.269 người tại Vilnius, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi từ 20 đến 25. Tuy nhiên, cũng có vài bộ xương là nữ giới, họ đi theo trại quân hoặc bán hàng cho quân đội của Napoleon.

Gần đây, các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân chính gây ra cái chết của họ bằng đồng vị phóng xạ. Kết quả cho thấy, xương có hàm lượng nitơ cao. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thiếu thức ăn và mất nước. Những phân tích oxy và cacbon sau đó cũng chỉ rõ nguồn gốc nạn nhân, nơi họ sống và loại thực phẩm họ ăn.

"Khám phá quan trọng nhất là không ai có đặc điểm giống với người Lithuania hoặc cư dân sống quanh đó. Việc phân tích đồng vị bền oxy chứng tỏ đa số họ đến từ trung tâm châu Âu, đặc biệt ở xung quanh phía nam nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và một phần của Italy," Serenela Mont Pelier thuộc Đại học Central Florida, Mỹ, nói.

"Dựa trên bối cảnh lịch sử, những khu vực này là nơi Napoleon kêu gọi nhập ngũ, xây dựng quân đội để tấn công vào Nga năm 1812. Phát hiện đáng chú ý trong các mẫu xương bao gồm: một người tham gia chiến dịch ở Ai Cập, một nữ giới người Pháp, một người đàn ông lớn tuổi có thể đã sống ở vùng núi phía nam châu Âu trước khi gia nhập quân đội."

Theo tạp chí Forbes, hàm lượng nitơ ở động vật ăn thịt thường cao hơn so với động vật ăn cỏ. Nếu cơ thể người bị thiếu hụt protein, giá trị đồng vị nitơ có xu hướng tăng vọt. Vì vậy, tình trạng binh lính chán ăn, ốm vào buổi sáng, thiếu hụt vitamin D, và nạn đói có thể khiến hàm lượng nitơ tăng lên.

2-2361-1440400110.jpg

Napoleon ở Moscow, Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Pelier cho biết, cuộc chiến tranh của Napoleon trong khoảng thời gian từ năm 1803-1815 giúp ông chinh phục hầu hết các nước châu Âu, bao gồm Pháp, Áo, Phổ, Thụy Sĩ, Italia, Westphalia, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Lithuania, Ba Lan, Croatia, Illyria, và Nga trong một thời gian ngắn.

Napoleon đặt tên cho những nơi chịu sự kiểm soát của ông là hệ thống Continental (Hệ thống Lục địa châu Âu). Hệ thống này có mục tiêu là cô lập kinh tế nước Anh, đối thủ cuối cùng của Pháp, buộc Anh phải khuất phục Napoleon. Việc kiểm soát Nga là mảnh ghép cuối cùng trong kế hoạch của Napoleon, nhằm phá vỡ hoàn toàn hệ thống kinh tế của Anh.

Ban đầu, Nga hoàng Alexander I ký Hiệp ước Tilsit với Pháp, đồng ý hợp tác với Napoleon nhằm cô lập kinh tế nước Anh. Tuy nhiên, Hệ thống Continental làm thiệt hại đến nền kinh tế nước Nga. Do đó, Alexander I chấm dứt hiệp ước trên và nối lại quan hệ thương mại với Anh. Nga hoàng cũng chống lại Napoleon bằng cách từ chối hôn nhân giữa Napoleon và em gái của mình, đe dọa xâm lược Ba Lan và làm suy yếu hệ thống Continental.

Sau nhiều lần đàm phán với Nga nhưng không có kết quả, Napoleon thực hiện chiến dịch nổi tiếng tấn công Nga vào năm 1812 để chiếm đoạt Moscow.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ