Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là thời điểm rất thuận lợi để phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp, hiện thực hóa ước muốn vươn lên làm chủ, khẳng định bản lĩnh, những năng lực của bản thân cũng như đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của kinh tế và cộng đồng.
Chính phủ khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và giao cho Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai thực hiện. Theo thống kê, phụ nữ cả nước hiện làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ hơn 20% trên tổng số các doanh nghiệp cả nước. Với đề án này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Điều này đã cho thấy được sự quan tâm sâu sát của chính phủ với vai trò của phụ nữ trong chiến lược khởi nghiệp ở nước ta hiện nay. Với tỉ lệ nữ giới đạt xấp xỉ 50% trong lực lượng lao động hiện tại, việc khuyến khích khởi nghiệp ở nữ giới sẽ tạo ra nguồn động lực rất lớn cho nền kinh tế, giải quyết các vấn đề việc làm và mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, toàn diện của phụ nữ trong tương lai không xa.
Đề án trên cũng chính là tín hiệu cho thấy chính phủ đã “bật đèn xanh” để các hoạt động truyền thông, tin tức đẩy mạnh việc cổ vũ tinh thần cho phụ nữ khởi nghiệp. Qua đó giúp họ tự tin lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và phẩm chất của mình và xóa nhòa các định kiến cũ kỹ của xã hội về vai trò của người phụ nữ.
Thực tế cho thấy ở nước ta hiện có những “nữ tướng kinh tế” thực sự như bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), bà Nguyễn Thị Thiên Thanh (Cơ điện lạnh REE)... Họ là những điển hình thành công của phụ nữ hiện đại. Đề án lần này thể hiện mong mỏi của chính phủ về việc có thêm những “nữ tướng” như trên để đóng góp sâu hơn vào sự phát triển của đất nước.
Sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng và các chuyên gia
Bên cạnh sự khuyến khích từ chính phủ, phụ nữ cũng đang nhận được sự hỗ trợ, giúp sức ngày một cụ thể hơn từ cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Chị Lê Nguyễn Vân Anh – nhà sáng lập của FounderGirls Investment Group cho biết: “Xu hướng khởi nghiệp ở nữ giới tại Việt Nam phát triển mạnh từ cách đây 1 năm, đặc biệt tại TPHCM, nơi có một nền kinh tế năng động và trẻ trung. Tuy nhiên, lúc bấy giờ hoạt động khởi nghiệp vẫn còn chưa được hệ thống hóa một cách bài bản và ít nhiều mang tính tự phát. Các nữ doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm và thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Có rất nhiều người có ý tưởng sản phẩm độc đáo và sáng tạo nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu, không tiếp cận được nguồn vốn… Một số khác đã khởi nghiệp được một thời gian nhưng không biết cách quản trị, làm thương hiệu hay phân phối sản phẩm khiến việc kinh doanh dậm chân tại chỗ”.
Theo Vân Anh, những phụ nữ khởi nghiệp đang rất cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Đó không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm, sự động viên khích lệ mà sâu hơn là sự hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ tận tình và đồng hành cùng phát triển. Đó cũng là lý do chị trở về Việt Nam và thành lập FounderGirls Investment Group.
FounderGirls đặt mục tiêu tạo dựng được một cộng đồng nữ doanh nhân cùng hỗ trợ và phát triển trong tương lai. Để làm được điều này, Vân Anh cùng các cộng sự đã tổ chức các chuyên đề kết nối giữa những thế hệ nữ giới thành công và các bạn trẻ nữ đang có tham vọng khám phá bản thân, trang bị cho các bạn những kĩ năng toàn diện cả về kĩ năng mềm, lãnh đạo, sáng tạo và kiến tạo…
Không dừng lại ở đó, nhờ mối quan hệ rộng rãi với các đối tác nước ngoài cùng kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, Vân Anh còn hỗ trợ các nhà sáng lập nữ tìm đến các nguồn vốn đầu tư quốc tế. Ngoài ra, vị Tiến sĩ Ngoại giao tại Macquarie University này cho biết chị có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong việc tìm nguồn ra cho các sản phẩm của mình ở trên thị trường thế giới như châu Âu, Úc, Bắc Mỹ, Singapore… “Điều quan trọng nhất của nhà khởi nghiệp là hãy tạo ra một sản phẩm thật sự chất lượng và độc đáo, những vấn đề còn lại như quy trình, quản trị, phân phối, định giá, nguồn vốn… FounderGirls hoàn toàn có thể hỗ trợ các bạn” – Chị Vân Anh tự tin khẳng định.
Có thể nói, sự ra đời của các tổ chức hỗ trợ và hợp tác chuyên nghiệp dành riêng cho phụ nữ như FounderGirls, WISE (Mạng lưới Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam) đã dần tạo dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp nói chung, nâng đỡ toàn diện và đồng hành sát sao với hành trình khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ. Cùng với sự khuyến khích của chính phủ, các hoạt động này đã mang đến thêm nhiều cơ hội thành công hơn cho những ai có đam mê khởi nghiệp.
Khó khăn đi cùng với lợi thế và cơ hội
Như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, phụ nữ khởi nghiệp cũng có những lợi thế và khó khăn cần phải vượt qua. Đó cũng là cơ hội để họ khẳng định mình trong thời đại mới. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã có những ý kiến đánh giá rất khách quan và cụ thể như sau:
Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nhân Việt Nam – hiện nay tư duy quản trị kinh doanh có tỷ lệ 80% bằng cảm xúc. Đó là lợi thế lớn của người phụ nữ bởi lẽ họ có chỉ số cảm xúc cao hơn nam giới. Phụ nữ nhạy cảm, tình cảm hơn trong kinh doanh nên sẽ “đắc nhân tâm” tốt hơn. Không như đàn ông hiếu thắng, bốc đồng dễ “xôi hỏng bỏng không”. Việc khởi nghiệp hiện tại cũng không còn nan giải như xưa, cả chính phủ, dư luận, xã hội đều đang ủng hộ phụ nữ làm kinh tế. Phụ nữ hoàn toàn có thể vừa “Đảm việc nước, đảm việc nhà” bởi lẽ “Với các phương tiện hiện đại như iPad, smartphone, phụ nữ có thể làm việc từ xa, quản lý từ xa, giao việc giao quyền, không cần hiện diện, nên vẫn có thể làm tốt một lúc nhiều việc, cân bằng giữa công việc và gia đình”.
Vua đầu bếp 2014 Hoàng Minh Nhật, nhà sáng lập chuỗi Bánh Mì by Minh Nhật cho biết: “Phụ nữ có bản năng nhẹ nhàng, mềm mỏng, thường tinh tế và đôi khi kiên nhẫn hơn đàn ông. Khi đi làm các thủ tục hành chính hoặc đi thuyết phục khách hàng, tôi thấy đó là những cái lợi rất bản năng. Vì vậy, tôi không cố gắng để so đo cho bằng đàn ông làm gì cả. Mình có điểm yếu thì cũng có những điểm mạnh của riêng mình. Quan trọng là mình sử dụng nó ra sao”.
Theo chị Vân Anh thì đối với phụ nữ, khởi nghiệp là một hành trình dài. Ở đó đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm và đam mê để vượt qua các rào cản từ môi trường bên ngoài và đặc biệt là sự sợ hãi bên trong của chính mình. Trong quá trình tiếp xúc với các khách hàng nữ, nhận thấy rằng nhiều người còn mang tâm lý lo lắng thái quá. “Họ thường suy nghĩ rất nhiều và dẫn đến sự sợ hãi. Họ sợ thất bại, sợ không có đủ nguồn vốn, sợ phải vay nợ, sợ không có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình”.
Nhà sáng lập FounderGirls cho rằng phụ nữ muốn khởi nghiệp cần phải hiểu được đây là những vấn đề rất đỗi bình thường trong kinh doanh mà bất kỳ doanh nhân nào dù nam hay nữ cũng đều gặp phải. Cần mạnh dạn bắt đầu khi đã có ý tưởng kinh doanh, mọi sự khó khăn đều có cách để tháo gỡ. Đừng mãi suy nghĩ và lo lắng mà giam hãm ý tưởng kinh doanh và triệt tiêu ý chí vươn lên chính đáng của bản thân.
Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực đa dạng như thời trang, công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, chế biến thực phẩm… Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế nói chung và phụ nữ nói riêng. Chiếm gần 50% lực lượng lao động của xã hội, vai trò của người phụ nữ hiện đại đang ngày càng quan trọng với những đóng góp ngày một thiết thực hơn cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Nếu có đam mê và ý chí cùng tư duy kinh doanh sáng tạo, phụ nữ nên mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp. Bởi lẽ hơn lúc nào hết, đây là thời điểm vàng để vươn lên.