Khởi nghiệp với nghề nông ở người Việt trẻ

GD&TĐ - Việc ngày càng có nhiều bạn trẻ thành công với các dự án khởi nghiệp nông nghiệp đang cho thấy một thực tế đáng mừng: Người Việt trẻ đã không còn quay lưng với nghề nông. Một thế hệ nông dân mới đang dần hình thành và không ngừng lớn mạnh với nhiệt huyết, đam mê và tham vọng thay đổi bức tranh nông nghiệp của Việt Nam trong tương lai không xa.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp thành công với nông nghiệp
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp thành công với nông nghiệp

Khi gió xoay chiều

Những năm trước đây, quan niệm về làm nông rất phổ biến là nghề “chân lấm tay bùn”, lam lũ khổ cực mà không có hiệu quả kinh tế. Những người trẻ thời bấy giờ hầu như chỉ lựa chọn các lĩnh vực “thời thượng” như kinh tế, công nghệ, viễn thông, quản trị… mà không mấy quan tâm đến nghề nông.

Không có đủ lực lượng kế cận, ngành nông nghiệp nước ta từng bước thu hẹp về quy mô, tốc độ tăng trưởng suy giảm từ 4,3%/năm (giai đoạn1994 - 2000) xuống còn 3,7%/năm (giai đoạn 2001 - 2007) và 3,1%/năm (giai đoạn 2008 - 2015).

Ấy vậy mà vài năm gần đây, tình hình này đang dần có sự thay đổi tích cực. Không ít bạn trẻ có trình độ chuyên môn cao, làm việc ở những ngành nghề “thời thượng” nhưng cuối cùng lại quay về với nông nghiệp.

Họ sẵn sàng rời bỏ các công việc có thu nhập ổn định và dấn thân vào cái nghề “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” một thời bị quay lưng này.

Tại một diễn đàn về khởi nghiệp nông nghiệp gần đây, Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit đã chia sẻ về thời trẻ của mình, khi ông mới khởi nghiệp.

Lúc đó hầu hết thanh niên chỉ muốn vào các thành phố tìm việc, chỉ cần không phải là ngành nông nghiệp là họ sẽ làm. Nhưng thời thế và xu hướng đã và đang thay đổi.

Vài năm nay, khi Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cùng với nhiều chính sách ban hành đã tạo nên làn sóng đầu tư vào nông nghiệp mạnh mẽ.

Đáng nói hơn là không chỉ là các đại gia lĩnh vực khác hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ mà ngay cả giới trẻ cũng vào cuộc ngày càng nhiều.

Hàng loạt những tấm gương làm nông của người trẻ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Trên các trang mạng xã hội, những người quan tâm đến việc làm nông ngày càng tăng cao.

Những diễn đàn nông nghiệp sạch, những hội khởi nghiệp từ nông nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ và tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm làm nông và thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.

Chia sẻ về vấn đề này, Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho biết: “Cách đây khoảng vài năm chúng tôi đã tổ chức các sự kiện để mong muốn kết nối bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp, nhưng không thành công vì lực lượng tham gia quá thấp.

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, chúng tôi lại nhận thấy sự quan tâm của các bạn về lĩnh vực này là rất lớn và có sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã xã hội. Điều này chứng tỏ tinh thần doanh nhân của người trẻ đang nâng cao rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Từ miền quê đến thành thị, nơi đâu cũng có nông dân thế hệ mới

Chuyện người trẻ Việt quay trở lại với nông nghiệp hiện nay không còn hiếm. Người gom hết tiền bạc trở về quê nhà nối nghiệp cha anh trồng rau cuốc đất, người chi tiền tỉ đầu tư vào nông nghiệp sạch công nghệ cao…

Điểm chung của họ là khả năng học hỏi các công nghệ canh tác hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nghề nông và tập trung vào sản xuất nông sản sạch, an toàn.

Từ thành thị đến nông thôn, nơi đâu cũng có mặt những nông dân thế hệ mới. Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đang dần đổi màu dưới nhiệt huyết và đam mê của rất nhiều người trẻ.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, chàng trai Nguyễn Hữu Dũng là một ví dụ tiêu biểu của xu hướng này. Sau hai năm làm việc ở các thành phố lớn, anh quyết định trở về quê hương Bắc Ninh làm nông trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Ban đầu, anh chọn củi trấu làm sản phẩm khởi nghiệp. Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong vùng, cộng với óc kinh doanh nhạy bén, chỉ sau một năm mô hình sản xuất củi trấu của Dũng đã hoàn vốn và bắt đầu cho lợi nhuận.

Không dừng lại, Dũng tận dụng khả năng ngoại ngữ cùng kiến thức của mình để tìm đến các trang mạng xã hội lớn như facebook, youtube và chào hàng với đối tác nước ngoài về các nông sản của địa phương.

Nhờ vậy, nhiều mặt hàng nông sản của anh đã được giao trực tiếp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 80 lao động làm thời vụ với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.

Trái ngược với câu chuyện trên, hành trình khởi nghiệp của đạo diễn trẻ Phạm Công Chính lại xuất phát từ… trường quay. Trong những lần ghi hình các chuyên đề về sức khỏe, Chính nhận ra tình trạng thực phẩm bẩn đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Để bảo vệ những người thân yêu của mình, anh đã mày mò học cách trồng rau sạch trên mạng Internet để rồi tình yêu nông nghiệp dần “bén rễ đâm chồi” trong chàng đạo diễn trẻ lúc nào không hay.

Tạm gác lại giấc mơ điện ảnh, anh quyết định khởi nghiệp trồng rau sạch công nghệ cao với số vốn đầu tư lên đến 5 tỷ đồng để thành lập nông trại ở Quận 9 với diện tích 6.000m2. Anh áp dụng các phương pháp trồng trọt tiên tiến và an toàn nhất hiện đang được thế giới ưa chuộng là Aquaponics, Hidroponics và Organic để cho ra đời các sản phẩm rau sạch công nghệ cao với thương hiệu “Tám Khỏe”.

Đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, nông trại của anh đã cung cấp 200kg rau mỗi ngày cho hệ thống cửa hàng và các siêu thị trong thành phố Hồ Chí Minh.

Các loại sản phẩm đa dạng của “Tám Khỏe” như xà lách Hà Lan, diếp cá, rau muống, đậu rồng, khổ qua rừng, khổ qua ta, dưa leo, mồng tơi, cà chua, lolo… được thị trường đón nhận tích cực. Doanh thu mỗi tháng lên đến hơn 200 triệu đồng.

Các bạn trẻ ngày càng quan tâm hơn đến nông nghiệp

Các bạn trẻ ngày càng quan tâm hơn đến nông nghiệp

Tham vọng thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến ngày càng nhiều người trẻ như anh Dũng, anh Chính trở lại với nông nghiệp đó chính là tiềm năng phát triển rất lớn của lĩnh vực này tại Việt Nam. Nước ta có quỹ đất nông nghiệp lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Cả nước là một thị trường gần 100 triệu dân vẫn đang canh cánh nổi lo thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe mỗi ngày. Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ nông sản sạch và tự nhiên trên thế giới đang lên ngôi cũng góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp sạch ở Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit - thực phẩm sạch, tiêu dùng an toàn đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. “Những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời điểm này sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ngoài ra còn phải kể đến cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới. Đây là sân chơi đầy tiềm năng. Nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đang rất lớn, mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước”, ông Viên nói.

Dù vậy, hiện tại tư duy làm nông kiểu truyền thống vẫn còn rất phổ biến ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề trên, anh Phạm Công Chính cho biết:

“Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay không được đánh giá cao trên thế giới. Không ít nông sản Việt Nam bị trả lại do chúng ta không đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của nước bạn. Nguyên nhân chính là vì chất lượng sản phẩm chưa tốt, quy trình sản xuất lạc hậu và thói quen sử dụng hóa chất vô tội vạ của người làm nông kiểu cũ ở nước ta”.

Để thay đổi điều này, ngành nông nghiệp đang trông chờ vào thế hệ những nông dân mới như anh Chính, anh Dũng với cách làm nông nghiệp hoàn toàn khác biệt so với trước đây.

Thay vì chú trọng vào năng suất, họ tập trung vào chất lượng, sự an toàn và các giá trị gia tăng của nông sản như bao bì, hệ thống phân phối, chăm sóc khách hàng... Họ vừa là tấm gương, vừa là nguồn động viên khích lệ cho các bạn trẻ dấn thân vào lĩnh vực từng chỉ “dành cho người nghèo” này.

Trên các diễn đàn và các câu lạc bộ khởi nghiệp về nông nghiệp đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của những người trẻ mê nông nghiệp. Đơn cử như trên mạng xã hội facebook, nhóm “Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam” hiện đã có hơn 16.000 thành viên. Họ liên tục thảo luận về các vấn đề, giải pháp trong nông nghiệp; tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh và chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp thành công để truyền cảm hứng cho nhau.

Thực tế thì trong phong trào khởi nghiệp mà chính phủ đang tích cực khuyến khích hiện nay thì nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được giới trẻ quan tâm nhiều nhất. Đơn cử như tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa qua, có đến 90% dự án liên quan đến nông nghiệp.

Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Một thế hệ nông dân mới đã hình thành và không ngừng phát triển với hy vọng đổi màu bức tranh nông nghiệp nước nhà, và mang nông sản Việt Nam chất lượng cao đến thị trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.