Cần hướng nghiệp cho trẻ ngay từ nhỏ
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, giáo dục hướng nghiệp thực chất là những hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh có được định hướng, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội/thị trường lao động.
Theo vị chuyên gia, quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp bắt đầu từ: Nhận thức bản thân - nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp - lập kế hoạch nghề nghiệp.
Việc nhận thức bản thân không chỉ là nhận ra sở thích, khả năng, điều kiện của mình, mà quan trọng nhất là giúp học sinh làm chủ chính mình, học cách sống tự chủ và có trách nhiệm, phát huy giá trị và tiềm năng của cá nhân. Điều này giúp trả lời câu hỏi: "Tôi là ai". Các em sẽ khám phá và phát triển được tài năng, đam mê cá nhân, phát triển năng lực tự nhận thức để là một người tích cực, tự tin với cuộc sống, trở thành một thành viên có giá trị với gia đình, nhà trường và xã hội.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, hướng nghiệp cho trẻ cần làm càng sớm càng tốt. |
Sau khi trả lời câu hỏi "Tôi là ai"?, hướng nghiệp sẽ giúp cho học sinh trả lời câu hỏi "Thế giới nghề nghiệp có những gì ở hiện tại và tương lai"? Có những cơ hội gì để bản thân em phát huy được tài năng và đam mê cũng như các giá trị của mình? Hướng nghiệp sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu thông tin nghề nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường việc làm không chỉ tại thời điểm các em học tập, mà còn ở tương lai khi các em trưởng thành để bước vào và góp phần tạo ra thay đổi của thế giới nghề nghiệp.
Ở khâu lập kế hoạch nghề nghiệp, học sinh sẽ học các xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp, trả lời câu hỏi "Tôi muốn trở thành người như thế nào và ở đâu trong thế giới nghề nghiệp"? Em sẽ làm gì để đến nơi em mong muốn?
"Quy trình hướng nghiệp có thể được lặp đi lặp lại trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời mỗi người. Vòng lặp này bắt đầu từ đơn giản và sẽ dần phức tạp hơn khi học sinh lớn lên. Do đó không thể chờ đến cuối cấp THCS, THPT mới giúp học sinh nhận ra 'Tôi là ai, thế giới nghề nghiệp có những gì ở hiện tại và tương lai cũng như tôi ở đâu trong thế giới nghề nghiệp'. Hướng nghiệp cho học sinh cần làm càng sớm càng tốt" - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp
Cũng theo vị nữ chuyên gia, "vòng lặp giáo dục hướng nghiệp" sẽ tạo ra các kết quả thực chất khi học sinh được trải nghiệm, lặp đi lặp lại nhiều lần. Có thể tham khảo quy trình dạy học trải nghiệm vào lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp như sau:
Đầu tiên là nhận diện kinh nghiệm cá nhân: Tổ chức các hoạt động trong nhà và ngoài trời, những thách thức cá nhân và theo nhóm để học sinh thể hiện nhận thức về bản thân và thế giới nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp.
Tiếp theo là khích lệ mỗi học sinh phản ánh, mô tả, giao tiếp và học hỏi từ các kinh nghiệm về nhận thức bản thân và thế giới nghề nghiệp. Thông thường cần tổ chức cho học sinh tiếp xúc với người lớn với các loại hình nghề nghiệp, thực tế làm việc của họ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, phòng thí nghiệm... gần gũi ở địa phương. Một số trường đã xây dựng xưởng thực hành/trải nghiệm tại trường để tối đa hóa các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Sau đó, học sinh áp dụng các mô hình và lý thuyết dưới sự hướng dẫn của giáo viên để rút ra các vấn đề để phát triển bản thân. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức về thế giới nghề nghiệp, lập kế hoạch nghề nghiệp. Học sinh đưa ra những nhận thức mới, hành vi mới về phát triển bản thân, về thế giới nghề nghiệp, kế hoạch phát triển nghề nghiệp từ những trải nghiệm của bản thân.
Các chuyên gia giáo dục đều khẳng định tầm quan trọng của hướng nghề - hướng nghiệp cho học sinh từ sớm. |
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ trước tới nay nhiều người thường quan niệm con phải học đại học mới là lập nghiệp, còn lại đều là thất bại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải cứ tham gia học đại học, cao đẳng mới là con đường duy nhất giúp cho người học có nghề nghiệp và thành công.
Thầy Cường cho hay, ở cấp học THCS, năng lực học tập và sở thích nghề nghiệp của học sinh đã được bộc lộ rõ. Khi xác định được khả năng và sở thích, chúng ta nên định hướng phân luồng sớm. Tuy vậy, hệ thống các trường đào tạo nghề sau khi học sinh học xong THCS lại là vấn đề cần phải bàn.
Họ phải đảm bảo cam kết chất lượng đầu ra, thực sự đồng hành cùng học trò, tiếp tục rèn dũa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách tâm huyết. Tiếp đến là sự tiếp nhận của xã hội: Cơ hội việc làm, học tập tiếp, thậm chí xuất khẩu lao động tay nghề cao...