Hướng nghiệp từ tiểu học: Sớm có ý thức về ngành nghề

GD&TĐ - Định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học tưởng như xa vời nhưng thực tế lại cần thiết, gắn với cuộc sống hằng ngày. Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm - Bộ sách “Chân trời sáng tạo”, khi được tiếp cận với nội dung giới thiệu nghề nghiệp qua một số môn học, hoạt động trải nghiệm, các em sớm có điều kiện tìm hiểu và vững vàng chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai.

Thông qua lao động có thể giáo dục hướng nghiệp hiệu quả với học sinh tiểu học. Ảnh: Đức Trí
Thông qua lao động có thể giáo dục hướng nghiệp hiệu quả với học sinh tiểu học. Ảnh: Đức Trí

Càng sớm càng tốt

- Thưa PGS, vì sao từ bậc tiểu học, học sinh cần được tiếp cận với giáo dục hướng nghiệp?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư này áp dụng từ tiểu học đến đại học.

Có thể thấy, trên thực tế hướng nghiệp không chỉ diễn ra với học sinh tiểu học mà sớm hơn, từ trẻ mầm non. Được giáo dục hướng nghiệp sẽ giúp học sinh nhận diện rõ năng lực bản thân, phát hiện sở trường để tăng cường, phát huy và điều chỉnh, giảm thiểu tác động sở đoản.

Học sinh tiểu học được giáo dục hướng nghiệp sớm cũng giúp cho công tác phân luồng sau cấp THCS tốt hơn. Chất lượng nguồn nhân lực nhanh thích ứng với yêu cầu thị trường, nâng cao chất lượng việc làm, giảm thất nghiệp, đảm bảo cho học sinh trong tương lai được làm việc đúng sở trường…

Giáo dục hướng nghiệp triển khai sớm giúp cho trẻ có ý thức nghề nghiệp; gia đình, nhà trường chủ động trong việc tạo những sân chơi, định hướng giúp trẻ khám phá đúng năng lực bản thân...

- Trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh tiểu học, vấn đề hướng nghiệp được đề cập ở mức độ nào và hướng tới mục tiêu gì, thưa bà?

- Ở bậc tiểu học, nội dung hướng nghiệp sẽ thông qua công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản. Học sinh cũng có thể kể tên những nghề nghiệp bản thân yêu thích; nghề nghiệp ước mơ…

Thông qua giáo dục hướng nghiệp, học sinh hiểu tính chất, hoạt động cơ bản của mỗi nghề. Ví như: Mẹ làm giáo viên thì có những hoạt động liên quan gồm soạn giáo án, lên lớp dạy học, giáo dục học sinh, chăm sóc hỗ trợ trong các trường hợp cụ thể…; thái độ lao động nghề nghiệp của cha mẹ và người xung quanh như thế nào để làm tốt công việc đang theo đuổi.

Mục tiêu cuối cùng của giáo dục hướng nghiệp bậc tiểu học là giúp học sinh hiểu được về nghề cụ thể, nghề đó đòi hỏi cần chuẩn bị những gì? Từ đó hình thành trong các em ý thức tôn trọng sản phẩm lao động, người lao động, giữ gìn thành quả lao động của người khác và chính bản thân.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.

Không cần cao siêu

- Theo bà, nếu không được tiếp cận hoặc tiếp cận muộn với giáo dục hướng nghiệp, các em sẽ phải chịu những thiệt thòi gì trong tương lai?

- Nếu học sinh tiểu học không được tiếp xúc với giáo dục hướng nghiệp, trẻ vẫn có thể tự hướng nghiệp. Trong cuộc sống hàng ngày, các em vẫn tiếp xúc với thông tin nghề nghiệp, tự ngộ ra và thấy cần thế này thế khác với nghề nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, khi không được giáo dục hướng nghiệp bài bản thì tất cả chỉ là hướng nghiệp tự phát.

Giáo dục hướng nghiệp với chương trình bài bản, hệ thống, lớp lang, chuyên nghiệp sẽ giúp quá trình giáo dục trẻ đi theo trình tự khoa học. Như vậy kết quả đạt sẽ ở mức độ như mong đợi, đạt yêu cầu đặt ra. Giáo dục hướng nghiệp bài bản có lập trình, chương trình, có hình thức, phương pháp, có kiểm tra đánh giá sẽ tạo ra “sản phẩm” khác hẳn hướng nghiệp tự phát.

Không được giáo dục hướng nghiệp đôi khi dẫn tới tình trạng trẻ không biết mình muốn gì? thích gì? và không biết bản thân phù hợp với nghề nghiệp nào. Từ đó dẫn tới hoang mang khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp khiến người lao động thiếu năng lực, động cơ, sở thích… và không thể làm tốt công việc. Chất lượng nguồn nhân lực vì thế cũng giảm đi, không theo kịp yêu cầu của xã hội.

- Bà có lưu ý gì với hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học để đạt hiệu quả tốt nhất?

- Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học quan trọng nhất vẫn là làm cho các em có cảm xúc tích cực, quý trọng mọi ngành nghề trong cuộc sống. Giáo dục hướng nghiệp không có sự phân hóa, phân loại nghề này nghề kia để việc định hướng nghề nghiệp sau này mang định kiến xã hội.

Đối với môn học Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong trường tiểu học đã đưa ra một số nội dung liên quan đến hướng nghiệp. Cụ thể như giúp trẻ hiểu được công việc, giá trị nghề nghiệp của bố mẹ, người thân. Ngoài ra, trẻ được nói lên được những ước mơ thông qua tìm hiểu thế giới nghề nghiệp. Có nhiều trò chơi, hoạt động thân quen, gắn với cuộc sống và hoạt động của trẻ. Cho trẻ làm quen với một số nghề của địa phương thông qua giáo dục nghề truyền thống. Làm quen nghề nghiệp khi thao tác một số nghề trong quá trình thăm quan du lịch…

Dù nội dung, chương trình hướng nghiệp cho học sinh tiểu học đã thể hiện trong sách giáo khoa một số môn học. Song giáo viên cần hết sức lưu ý phương pháp giáo dục không nên quá cao siêu, lớn lao bởi lứa tuổi này không thể “tải” hết. Cách giáo dục cần phù hợp, giản dị, nhẹ nhàng, gắn với cuộc sống hàng ngày của trẻ để dễ hình dung. Và giáo viên triển khai phương pháp giáo dục nào cũng phải thể hiện được ý đồ hướng nghiệp…

Nếu không được giáo dục hướng nghiệp từ nhỏ, học sinh sẽ thiếu hiểu biết, mơ hồ về nghề nghiệp và có thể dẫn đến lựa chọn không đúng với năng lực bản thân. Giáo dục hướng nghiệp cũng tạo cơ hội để học sinh khám phá sở trường, sở thích của bản thân liên quan đến nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ