Thợ làm “giày đặc biệt” ở làng phong

GD&TĐ - Đối với bệnh nhân phong, điểm dễ tổn thương nhất là bàn chân. Và điều họ cần là một đôi giày phù hợp để có những bước đi bình thường. Hai mươi năm qua, những người thợ giày đặc biệt ở làng phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) đã lặng lẽ làm công việc ý nghĩa này…

Anh Tâm tỉ mỉ cắt, gọt đế tạo dáng cho giày
Anh Tâm tỉ mỉ cắt, gọt đế tạo dáng cho giày

Những thợ giày đặc biệt

Ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn) có xưởng dụng cụ chỉnh hình khá “đặc biệt”. Theo thợ giày kỳ cựu Nguyễn Văn Tâm – Đội trưởng đội thợ giày tại đây, chừng mấy chục năm trước, ngay tại Quy Hòa, các sơ (nữ tu) ở đây đã biết tự mày mò làm giày. Năm 1997, Xưởng giày Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa được hình thành do 2 tổ chức phi chính phủ Handicap International và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan tài trợ. “Những ngày đầu vào nghề, chúng tôi được thợ giày Lê Huyền Linh ở Sài Gòn, cũng là một bệnh nhân phong, dạy nghề”, anh Tâm nhớ lại “ông tổ” của nghề thợ làm giày tại Quy Hòa.

Để những “khách hàng khó tính” chịu sử dụng, các thợ giày phải “làm công tác tư tưởng” để bệnh nhân hiểu công dụng của nó. Nhiều người sử dụng loại giày thông thường nên vết thương hay tái phát, sau khi mang giày chỉnh hình rồi thì thấy vừa ý, không mang giày thị trường nữa.

Giày của bệnh nhân phong đều làm bằng da, hoặc giả da, có hình dáng “muôn hình vạn trạng”. Nhiều đôi “lệch pha”, chiếc dài, chiếc ngắn. Có chiếc mũi dài quá khổ, có chiếc ngắn ngủn. Mỗi một chiếc giày ngoài các tiêu chí bắt buộc: đế giày không quá 4 phân, đế trên phải mềm, đế dưới phải cứng để tránh các vật nhọn gây tổn thương, quai có độ co giãn..., còn có những yêu cầu riêng, phù hợp. Đối với bàn chân chưa bị tổn thương biến dạng, đôi giày có mẫu mã giống như giày ngoài thị trường nhưng bắt buộc phải có quai hậu để định vị bàn chân, có thể điều chỉnh tăng giảm độ rộng.

Một đôi giày của đôi chân dị dạng nặng, hai chiếc có độ vênh lệch khá lớn

Yêu thương để sẻ chia

Thợ giày Quy Hòa không làm theo dây chuyền. Mỗi người phải chịu trách nhiệm từ khâu lấy số đo bàn chân cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Thợ lành nghề cũng phải mất 7-8 giờ mới làm xong một đôi giày. Trung bình, hàng tháng mỗi người làm 24 đôi. Có khi làm thêm cả chủ nhật để kịp giao giày cho bệnh nhân, dù chỉ với mức lương 3 triệu đồng/ tháng.

Anh Đức giới thiệu kệ để mẫu chân giả của các bệnh nhân từ khắp các tỉnh bạn

Anh Đức giới thiệu kệ để mẫu chân giả của các bệnh nhân từ khắp các tỉnh bạn

Bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: “Nhờ những đôi giày “đặc chế” mà bệnh nhân phong không những có thể đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn mà còn giúp giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây tái phát, thương tổn. Việc sản xuất giày chủ yếu được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ. Việc làm giày không lợi nhuận, sản phẩm hoàn toàn được cấp miễn phí cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, nguồn kinh phí dành cho việc sản xuất ngày càng bó hẹp, anh em đã cân đối o ép tiết kiệm tối đa chi phí để hoàn thành một đôi giày”. Bác sĩ Tuấn Anh như chùng giọng: “Sắp tới dự kiến một tổ chức Hà Lan, nguồn tài trợ chính cho hoạt động làm giày rút khỏi Việt Nam, nguồn cung ứng về kinh phí vốn hạn chế lại thêm phần khó khăn”.

Sau thế hệ hiện tại, những ai sẽ tiếp nối “nghề” làm giày này là câu hỏi khó trả lời. Song le, tình trạng dị dạng ở bệnh nhân phong ngày càng ít, vì bệnh đã có thuốc chữa trị chứ không như xưa, vì vậy việc làm giày đặc biệt cho bệnh nhân phong sau này có “chừng mực” e cũng là điều hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.