Thiếu nữ lấy con chữ để thắng hung tàn

Thế giới đầy bất ổn, chiến tranh và định kiến. Nhưng thế giới vẫn còn đó những tia hy vọng, những nỗ lực kiến tạo và thay đổi.

Thiếu nữ lấy con chữ để thắng hung tàn

Thế giới đầy bất ổn, chiến tranh và định kiến. Nhưng thế giới vẫn còn đó những tia hy vọng, những nỗ lực kiến tạo và thay đổi.

Thieu nu lay con chu de thang hung tan - Anh 1

Ngôi trường dành cho nữ sinh Syria ở khu vực tị nạn tại Lebanon - Ảnh: EPA

Ngày 10/4, cô gái đến từ Pakistan Malala Yousafzai (20 tuổi) chính thức trở thành Đại sứ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Cô là gương mặt trẻ tuổi nhất đảm nhận vị trí này. Hành trình phía trước của Malala sẽ là những chuyến đi liên tục, đến mọi rẻo đất còn xung đột, bất an để tìm kiếm ánh sáng hòa bình. Lựa chọn lần này của LHQ một lần nữa tôn vinh cô gái trẻ Malala, người dám chọn chinh phục hòa bình thay vì thỏa hiệp, nhân nhượng trước thế lực tàn bạo.

Cả thế giới từng biết đến Malala Yousafzai với hình ảnh cô gái kiên cường, dám đánh đổi sinh mạng để bảo vệ quyền được sống và học tập của trẻ em gái Pakistan trong vòng vây bạo lực của phiến quân Taliban.

Thieu nu lay con chu de thang hung tan - Anh 2

Malala Yousafzai

11 tuổi, Malala đã là nhân vật được cộng đồng chú ý, lọt vào tầm ngắm của Taliban. Năm 2012, những tay súng cực đoan đã nổ súng vào đầu cô khi cô đang trên xe buýt từ trường về nhà.

Trong khoảnh khắc sinh tử, Malala càng kiên định hơn. Thoát chết sau lần ám sát, hình ảnh Malala đã bước ra khỏi quốc gia, trở thành biểu tượng toàn cầu, là nhân vật truyền lửa cho những hoạt động thắp sáng mạnh mẽ niềm tin rằng thế giới không bao giờ sợ hãi trước tội ác và những điều phi lý.

Càng dấn thân, Malala càng nhận ra sứ mệnh của cô không đơn thuần là nỗ lực bảo vệ nữ quyền. Nữ quyền trong giáo dục là vạch xuất phát để từ đó tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ đấu tranh cho những quyền lợi cơ bản khác của con người.

Đích đến cuối cùng chính là hòa bình trên thế giới này. Malala không tự nhận mình là sứ giả hòa bình nhưng cách cô kết nối thế giới đã tạo ra bức tranh tươi sáng về tương lai, đòi hỏi tinh thần quyết liệt đến tận cùng.

“Sức nóng” từ cô gái trẻ đã khiến cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và cũng là đặc phái viên LHQ về chương trình Giáo dục toàn cầu năm 2012 đã chủ trì một chiến dịch có slogan “Tôi là Malala” hướng đến việc giúp cho tất cả trẻ em Pakistan ở độ tuổi đi học phải được đến trường.

Năm 2013, Malala có bài phát biểu trước LHQ và được gặp Nữ hoàng Elizabeth II tại lâu đài Buckingham. Cùng năm, Malala diễn thuyết tại Đại học Harvard và được diện kiến gia đình Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng.

Cô thẳng thắn bày tỏ mối lo ngại Mỹ tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Parkistan: “Nhiều nạn nhân vô tội đã thiệt mạng trong các hành động này. Nếu chúng ta tập trung vào giáo dục, thế giới này mới thật sự phát triển”.

Phát biểu trước LHQ năm 2013 với chủ đề ủng hộ giáo dục trên toàn thế giới, Malala từ chối gửi đi thông điệp hận thù, đối đầu, cô nhấn mạnh lợi ích giáo dục đến tất cả trẻ em, kể cả đó là những đứa trẻ thuộc về thế giới Taliban.

Tháng 7/2014, Malala Yousafzai có mặt ở Nigeria để tranh đấu cho hơn 200 nữ sinh nước này bị nhóm phiến quân Boko Haram bắt cóc ở bang Borno. Malala không phân định hòa bình có trước hay quyền đến trường, được bảo đảm an toàn của nữ sinh có trước. Với cô, nỗ lực cho những điều này phải được thực hiện cùng lúc, đồng loạt.

Thieu nu lay con chu de thang hung tan - Anh 3

Malala Yousafzai

Ý nghĩa của hòa bình là từ đây. Đó là lý do Malala được vinh danh là chủ nhân giải Hòa bình thanh thiếu niên quốc tế năm 2013, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Hòa bình năm 2014. Cô đã dành trọn số tiền thưởng nhận được cho Quỹ Malala giúp trẻ em gái khắp nơi tiếp cận giáo dục.

Quỹ Malala (ra đời năm 2013) tồn tại như cầu nối từ giáo dục đến hòa bình và đó là cách Malala thuyết phục thế giới theo đuổi sứ mệnh giành lấy hòa bình. Quỹ Malala đã cam kết dành tặng 250.000 USD hỗ trợ Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho hoạt động hỗ trợ trẻ em tị nạn ở khu tị nạn Jordan được đến trường.

Nữ diễn viên Angelina Jolie cũng đã hưởng ứng với 200.000 USD tặng quỹ trên. Tháng 7/2015, nhân dịp sinh nhật 18 tuổi của mình, Malala đã tặng ngôi trường dành cho trẻ em gái tị nạn người Syria ở Lebanon. 200 trẻ em gái từ 14-18 tuổi rạng rỡ trong ngày khai trường, mở ra một tương lai cho bản thân vì các em hiểu rằng không có tri thức thì cả cuộc đời sẽ không có mấy hy vọng.

Cũng trong dịp này, Malala phát động chiến dịch #BooksNotBullet (Sách thay cho những viên đạn). Cô đã nói về chiến dịch này: “Ngày này, tôi đánh dấu sự trưởng thành ở tuổi 18 bằng lời yêu cầu các vị lãnh đạo hãy đầu tư nhiều hơn nữa vào những quyển sách thay vì đạn dược”. Giáo dục - hòa bình, đó là mối quan hệ tương hỗ mà Malala nhắc đến như một cách đầu tư thông minh của thế hệ hôm nay vào tương lai.

Thế giới chưa có một ngày bình yên. Đâu đó vẫn còn nhiều người thương vong trong các cuộc xung đột, Malala vẫn từng ngày bước tiếp con đường chông gai mà cô đã lựa chọn. Ngày 12/4 tới đây, cô sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Canada, chính thức nhận quốc tịch danh dự từ quốc gia Bắc Mỹ này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi cô là nữ anh hùng, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Ngày 10/11 là ngày được LHQ chọn là “Ngày Malala”. Nói về ngày mang tên mình, cô khiêm tốn: “Ngày Malala không phải là ngày của tôi. Đây là ngày của mọi phụ nữ, mọi bé trai và mọi bé gái, những người lên tiếng cho quyền lợi của mình”.

Đến thời điểm này, Malala đã được ghi nhận với hơn 40 danh hiệu quốc tế vì những hoạt động đòi quyền được đến trường, quyền được sống trong hòa bình cho trẻ em toàn thế giới. Malala không dừng lại và cô cũng không có nhiều thời gian say sưa với giải thưởng. Cô còn rất nhiều nơi để đến, nhiều việc phải làm để tiếp tục làm lan tỏa lý tưởng hòa bình.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.