Để thực hiện mục tiêu này, mô hình đại học khởi nghiệp là nơi hội đủ các yếu tố cần thiết, nhờ huy động được nguồn lực (giảng viên, sinh viên được đào tạo bài bản, số lượng lớn) ổn định và lâu dài.
Ở những nước tiên tiến như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc…, có đến 80 - 85% doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST xuất phát từ trường đại học. Trong khi đó, trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam được thành lập bên ngoài khu vực trường đại học, mà số lượng cũng ít.
Những năm gần đây, nhờ chính sách khuyến khích khởi nghiệp của Nhà nước, cùng với đẩy mạnh tự chủ, một số trường đại học Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; Trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp; Câu lạc bộ Mentor (người hướng dẫn); Câu lạc bộ cựu sinh viên; Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài đại học…
Một số địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh như TPHCM cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy đại học khởi nghiệp. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2023, trong 5 năm tổ chức các cuộc thi dự án khởi nghiệp, có 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm duy trì ở mức trên 7% mỗi năm.
Tuy có những chuyển động tích cực nhưng nhìn trên tổng thể, việc xây dựng đại học khởi nghiệp chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, số lượng giảng viên, người làm nghiên cứu và sinh viên rất lớn, song đến nay nhiều trường chưa thực sự xem trọng hoạt động khởi nghiệp, thiếu đầu tư bài bản, lâu dài.
Nhiều trường chưa đưa môn khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, không có trung tâm khởi nghiệp riêng, nhân sự thì kiêm nhiệm. Các đề tài mang tính ứng dụng mới của sinh viên chủ yếu được lựa chọn cho các cuộc thi và trao giải xong là kết thúc một chu kỳ của nghiên cứu khoa học. Kết quả chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó tài chính cho đại học phát triển khởi nghiệp là một trong những vấn đề then chốt. Để nghiên cứu ra cái mới, rất cần có cơ sở vật chất để hiện thực hóa các ý tưởng, tuy nhiên không phải trường đại học nào cũng có khả năng đầu tư lớn cho phòng thí nghiệm, khu chế tạo, máy móc sản xuất thử nghiệm.
Các phòng thí nghiệm hay phòng nghiên cứu chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu khoa học cơ bản, việc nghiên cứu mang tính chuyên sâu khó có khả năng. Hiện nay, chính sách về tài chính cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở nhà trường theo đề án do trường tự chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp (chủ yếu là học phí), huy động xã hội hóa và những nguồn tự kêu gọi khác. Thực tế này dẫn đến việc mạnh trường nào trường đó làm, không đồng đều, gần như hoạt động xúc tiến khởi nghiệp chỉ phát triển mạnh ở một số trường có tiềm lực tài chính.
Bài học kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy xây dựng cơ chế tài chính phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học. Để mỗi trường đại học thực sự là vườn ươm doanh nghiệp, bên cạnh phải ĐMST, tăng cường kỹ năng khởi sự kinh doanh cho sinh viên, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có quy định rõ ràng về mức nhà trường được sử dụng đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp và mức hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này.
Sự đầu tư ban đầu và hỗ trợ có lộ trình của Nhà nước sẽ là bệ đỡ quan trọng để trường đại học thực sự trở thành trung tâm của ĐMST, hướng đến mục tiêu quốc gia khởi nghiệp.