Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

GD&TĐ -  Rất cần thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Giáo dục nói chung, và đặc biệt trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Lễ khai khóa năm nay, ĐHQG TPHCM đưa ra chủ đề năm học là “Sinh viên tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh - hạnh phúc”.

Cũng trong buổi lễ này, trò chuyện với giảng viên, sinh viên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Một đại học muốn thành công phải là nơi truyền cảm hứng, biết khơi dậy quyết tâm khởi nghiệp, biết tạo những điều kiện thuận lợi để khơi dậy tiềm năng con người, tri thức mới, công nghệ mới được phát huy”.

Trước đó, vấn đề tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ cũng được Bộ GD&ĐT xác định tập trung triển khai trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN 2022 - 2023, hiện thực hóa ưu tiên đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy khởi nghiệp trong giới trẻ, trong đó lực lượng sinh viên là nòng cốt - một định hướng lớn từ khi Việt Nam khởi động quốc gia khởi nghiệp. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Ðề án 1665). Sau 4 năm thực hiện, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cuối năm 2021; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% cơ sở đào tạo xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

Hiện cả nước có 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; có 45 cơ sở (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Tuy đạt được những thành tựu nhất định trong việc truyền lửa khởi nghiệp, xây dựng ý tưởng nhưng có thể nói đến nay vẫn chưa có nhiều trường đại học tại Việt Nam thực sự là đại học đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị; đầu tư trực tiếp vào thành lập các doanh nghiệp với phần vốn nhà trường và các nhà khoa học cùng đóng góp.

Thực tế vẫn có nhiều khó khăn về chất lượng nhân lực khởi nghiệp, sự kết nối các nhà trường, cơ chế cho chuyên gia hướng dẫn. Đặc biệt, tài chính hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp là bài toán khó của nhiều trường. Đến nay không nhiều trường đại học sẵn sàng dành mỗi năm vài tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác này.

Trường đại học có vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhưng làm thế nào để có thể hiện thực hóa vai trò đó là điều không dễ dàng. Đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính của quá trình khởi nghiệp gồm hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng, nhưng hiện nay trường đại học đa số chỉ mới thực hiện tốt ở khâu truyền lửa, hình thành ý tưởng.

Để phong trào khởi nghiệp có thể chuyển sang một giai đoạn cao hơn cả về chất và lượng, rất cần thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng.

Dĩ nhiên xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Hiện nay, để phát triển hoạt động khởi nghiệp, các trường đại học đều nỗ lực kết nối mạng lưới doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực mình đào tạo; đặc biệt là chú trọng tới cựu sinh viên đã thành công và thành danh.

Song, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của nhà trường, nhà giáo, cựu sinh viên và doanh nghiệp là chưa đủ. Cùng với sự chủ động của nhà trường, rất cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, căn cơ hơn từ tầm vĩ mô. Có như thế, đại học mới đủ sức lĩnh ấn tiên phong đổi mới sáng tạo, góp phần nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ