(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục tối thiểu thiết bị dạy học các môn Vật lý; Hóa học, Sinh học, Tin học và Ngoại ngữ trường THPT chuyên.
Theo đó, môn Hóa học gồm 39 thiết bị dạy học theo chương trình chuyên ; 27 thiết bị dạy học theo chuyên đề Olympic ; 109 hóa chất theo chương trình chuyên và 37 hóa chất theo chuyên đề Olympic cùng các vật tư thiết bị tiêu hao.
Với môn Sinh học gồm 37 thiết bị dung chung; 26 thiết bị thực hành dùng cho từng phân môn; 64 dụng cụ và 136 hóa chất.
Với môn Tin học và môn Ngoại thiết bị tối thiểu gồm 10 thiết bị và các tài liệu, phần mềm.
Thiết bị dạy học tối thiểu môn Vật lý gồm 14 thiết bị dùng chung; 6 thiết bị thí nghiệm thực hành; 5 thiết bị thí nghiệm các bài thực hành nâng cao và các thiết bị thí nghiệm theo chuyên đề.
Bộ GD&ĐT lưu ý, tất cả hoá chất được đựng trong lọ nhựa hoặc lọ thuỷ tinh có nắp kín đảm bảo an toàn với từng loại hoá chất. Trên mỗi lọ đều có tem nhãn được ghi đầy đủ các nội dung: tên thông dụng, công thức hoá học, trọng lượng hoặc thể tích, nồng độ, độ tinh khiết, hạn sử dụng, đơn vị cung cấp và các cảnh báo về bảo quản và an toàn. Nhãn đảm bảo không phai màu, mất chữ và bám chắc vào lọ trong quá trình vận chuyển và sử dụng.
Đối với các hoá chất độc như axit đậm đặc, brom... phải có cách thức đóng gói và bảo quản riêng.
Các lọ hoá chất được đóng gói trong các thùng có ngăn đựng đảm bảo an toàn khi vận chuyển và sử dụng.
Căn cứ vào danh mục tối thiểu thiết bị dạy học ban hành kèm theo Thông tư này, các sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm thiết bị dạy học các môn chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Ngoại ngữ đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng trường, tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng và bảo quản thiết bị phục vụ dạy học tại các trường trung học phổ thông chuyên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/10/2011.
Lập Phương