Thị trường lao động TPHCM: Biến động và dự báo

GD&TĐ - Cuối năm, những ngành nghề nào sẽ tiếp tục thống trị hay mất giá luôn là câu hỏi không chỉ cho người lao động, nhà sản xuất, mà còn là chuyện đau đầu đối với các cơ sở đào tạo và người học. Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với bà Trần Lê Thanh Trúc – Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) thuộc  Sở LĐ,TB&XH TPHCM.

Thị trường nhân lực ngành dệt may được cho là nhiều biến động và luôn có nhu cầu lớn. Ảnh: IT
Thị trường nhân lực ngành dệt may được cho là nhiều biến động và luôn có nhu cầu lớn. Ảnh: IT

- Đánh giá của Trung tâm về nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực dệt may, kỹ thuật cao tại TPHCM hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Theo kết quả khảo sát trong 10 tháng năm 2019 của FALMI, nhu cầu tuyển dụng ngành dệt may chiếm tỷ trọng 3,99% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật lành nghề, sơ cấp nghề, trung cấp chiếm tỷ trọng 3,46% tổng nhu cầu nhân lực; ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, đại học cho các vị trí thiết kế, tạo mẫu sản phẩm cũng tăng do các doanh nghiệp ngày càng chú trọng khâu tạo mẫu, thiết kế sản phẩm dệt may cho phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng.

Tuy vậy, doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn TPHCM cũng gặp khó khăn về bảo đảm nguồn nhân lực cho hoạt động. Phần nhiều lao động từ tỉnh, thành phố khác đến làm việc trong các doanh nghiệp nên sẽ xuất hiện tình trạng biến động lao động theo chu kỳ - đặc biệt thường xảy ra vào các dịp lễ tết.

Bà Trần Lê Thanh Trúc – giám đốc Falmi. Ảnh: IT
 Bà Trần Lê Thanh Trúc – giám đốc Falmi. Ảnh: IT

Do thiếu nhân lực nên doanh nghiệp ngành dệt may có xu hướng tuyển lao động chưa qua đào tạo và sẵn sàng đào tạo theo phương thức kèm cặp để phục vụ trong các dây chuyền sản xuất. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề và tăng lao động chất lượng cao, đặc biệt là cán bộ quản lý và nhân lực thiết kế, chế tạo mẫu, công nghệ dệt, công nghệ sợi…

TPHCM hiện có 32 trường đào tạo nhóm ngành dệt – may, bao gồm: Công nghệ may, thiết kế thời trang, kỹ thuật dệt may. Hằng năm, nhóm ngành này tuyển sinh và đào tạo khoảng trên 5.000 lao động, trong đó trình độ đại học là 1.100 người, cao đẳng là 2.600 người, trung cấp là 1.300 người. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tham gia đào tạo ngắn hạn về thiết kế thời trang, may mặc... để bổ sung lực lượng lao động có chuyên môn, tay nghề cho các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất cá thể.

- Trong thời gian tới những ngành nghề nào tại TPHCM tiếp tục khát nhân lực?

- Hiện nay và sắp tới, các ngành như công nghệ thông tin, logistics, thương mại điện tử, du lịch, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, y tế (chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp), giáo dục, cơ khí tự động hóa có nhu cầu nhân lực rất lớn. Bên cạnh đó, một số ngành như công nghệ thực phẩm, kiến trúc - xây dựng - môi trường, dệt may cũng tiếp tục thu hút nhân lực trong thời gian sắp tới. Những ngành này chiếm trên 60% tổng nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm của thành phố.

Dự báo 4 lĩnh vực phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động là công nghệ kỹ thuật, tự động hóa và khoa học sáng tạo; thiết kế và mỹ thuật ứng dụng, kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường; quản trị kinh doanh - thương mại, marketing, kinh doanh tài chính; dịch vụ và quản trị dịch vụ. Cùng những nhóm ngành khác trong xu hướng phát triển thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm kỹ thuật và giáo dục, công nghệ nông – lâm – thủy sản, công nghệ dệt – may, văn hóa – nghệ thuật – thể thao.

Với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, các ngành nghề thu hút nhân lực sẽ yêu cầu người lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ.

SV Trường ĐH Quốc tế TPHCM tham gia ngày hội việc làm do trường tổ chức. Ảnh: C.Chương
 SV Trường ĐH Quốc tế TPHCM tham gia ngày hội việc làm do trường tổ chức. Ảnh: C.Chương

- Lời khuyên của Trung tâm đối với những HS sắp đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ; cũng như đối với các trường ĐH, CĐ… trước xu thế thị trường nhân lực có nhiều biến động là gì?

- Thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Thị trường lao động mở ra với các xu hướng việc làm như: (1) Tham gia các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế; (2) Làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức; (3) Đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động); (4) Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động giữa các tỉnh, thành, khu vực kinh tế, giữa các quốc gia; (5) Khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Trước khi đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ, các bạn học sinh cần phải xác định năng lực học tập, sở thích, tìm hiểu các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Muốn thích ứng với thị trường lao động, sinh viên - học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải xác định rõ mục tiêu của bản thân để có sự lựa chọn ngành đào tạo phù hợp với năng lực bản thân, phải có sự đam mê, đầu tư nghiêm túc đối với ngành nghề lựa chọn. Trong quá trình học, cần chú trọng kiến thức được trang bị từ nhà trường cũng như tìm hiểu thêm các kiến thức hỗ trợ cho việc học tập và trang bị một số kỹ năng mềm để thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường lao động sau khi ra trường.

Với những yêu cầu đặt ra của người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có chiến lược đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng trang bị cho người học kỹ năng lao động cần thiết, đào tạo kỹ năng đa ngành để người học đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công việc. Chú trọng việc kết hợp giữa kiến thức trong quá trình học và thực hành bên ngoài xã hội để người học tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp và thích ứng ngay khi tham gia làm việc.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.