Thi tốt nghiệp THPT: Con người - nhân tố quyết định thành công: Cần sự phối hợp liên ngành

GD&TĐ - Để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, không chỉ ngành Giáo dục mà mọi lực lượng phối hợp cần tinh thần trách nhiệm cao; trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu địa phương.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú (Hà Nội).	Ảnh: Xuân Phú
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Xây dựng kế hoạch, phối hợp liên ngành

Chia sẻ quan điểm về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), cho rằng: Việc giao kỳ thi về địa phương đòi hỏi công tác tổ chức thi phải thực sự chặt chẽ, nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của mọi lực lượng tham gia, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, ngành Giáo dục.

Đồng thuận với ý kiến này, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Trường ĐH Đồng Tháp) chia sẻ: Nhiều năm trực tiếp phối hợp với địa phương tổ chức Kỳ thi THPT và THPT quốc gia trước đây, tôi cho rằng công tác xây dựng kế hoạch/phương án chu đáo, phối hợp liên ngành hiệu quả, huy động nhân lực hợp lý và tập huấn kỹ, phát huy vai trò của các điểm/ trường là điều kiện tiên quyết.

Kế hoạch tổ chức kỳ thi được xây dựng có các phương án bổ sung/dự phòng linh hoạt là tiền đề quan trọng nhất. Sự phối hợp liên ngành hiệu quả trong việc triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; trong đó, sở GD&ĐT làm nhiệm vụ thường trực, kết nối là điều kiện bảo đảm cho thành công của kỳ thi.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, ban chỉ đạo kỳ thi, hội đồng thi và đội ngũ giáo viên và nhân lực tham gia làm nhiệm vụ trước, trong và sau kỳ thi ở các địa phương là nhân tố quyết định thành công của kỳ thi.

Công tác tập huấn càng được thực hiện kỹ lưỡng, khi tổ chức, triển khai càng nhịp nhàng, hiệu quả. Các trường học được chọn làm điểm thi cần sớm được khảo sát, để kịp thời chuẩn bị, nâng cấp, bổ sung về cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối trước và trong quá trình tổ chức kỳ thi.

“Theo kinh nghiệm đúc kết của những năm trước đây, kỳ thi được tổ chức thành công cũng cần sự đồng hành từ phụ huynh, đoàn thể xã hội và bà con nhân dân trên địa bàn đặt điểm thi. Sự chung tay, góp sức này là “điều kiện đủ” của kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công” - PGS Nguyễn Văn Đệ nêu ý kiến.

Không nhập nhèm trách nhiệm

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng: Cần nhấn mạnh việc quy trách nhiệm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho người đứng đầu địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Giám đốc các sở GD&ĐT chịu trách nhiệm về an toàn, trung thực và khách quan của kỳ thi năm nay.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm thi tốt nghiệp THPT 2020 cần thực hiện phương châm “mất lòng trước, được lòng sau”, tức là nói thẳng với cán bộ, giáo viên và thí sinh tham gia thi những hậu quả khôn lường nếu cố tình để xảy ra bất kỳ sự cố hay gian lận thi và tin rằng: Không có gian lận thi cử nào lại được “thoát hiểm”.

Trong 4 khâu: Ra đề - in sao đề - tổ chức coi thi - chấm thi, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm khâu thứ nhất, nghĩa là 3/4 khâu còn lại do địa phương đảm nhiệm. “Như vậy, năm nay không thể dựa dẫm vào Bộ, không thể nhập nhèm lợi dụng vào các khâu làm thi khách quan khác mà nghĩ đến việc gian lận thi.

Thêm biện pháp công khai phổ điểm kết quả chấm thi và điểm học bạ của thí sinh, bất cứ địa phương nào (tỉnh và các trường) xảy ra tiêu cực có thể khoanh vùng ngay tức khắc” – ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Quy chế thi năm nay bổ sung “thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi”. Theo ông Đặng Tự Ân, đây là quy định nghiêm khắc cho thí sinh trong phòng thi. Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay có nhiều tầng lớp thanh tra/kiểm tra thi, để “soi” các khâu làm thi của các địa phương. Năm nay, các khâu của kỳ thi đều được tăng cường thanh tra, giám sát.

Ngoài đoàn thanh tra của Bộ, sở GD&ĐT, sẽ tổ chức các đoàn do Thanh tra tỉnh chủ trì để thanh tra, kiểm tra tất cả  khâu của kỳ thi. Kỳ thi năm nay còn có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ trong Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia với vai trò hướng dẫn thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra thi; đề xuất xử lý sai phạm trong quá trình tổ chức nếu có.

Tôi cho rằng, các địa phương cần làm rõ với Bộ GD&ĐT về phạm vi trách nhiệm, giới hạn các hoạt động thanh tra/kiểm tra thi, càng chi tiết càng rõ ràng càng tốt. Có như vậy quá trình làm thi của địa phương sẽ thuận lợi và không bị vướng hay chồng chéo giữa các lực lượng thanh tra/kiểm tra thi. Ngoài ra nhỡ có xảy ra sự cố thi cũng dễ quy trách nhiệm là ai và tập thể nào. Ông Đặng Tự Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.