Kỳ thi là cần thiết
Tại phiên họp, tất cả các thành viên Hội đồng đều khẳng định sự cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều đó không chỉ theo đúng quy định của Luật Giáo dục, mà còn tạo động lực để thúc đẩy công tác dạy - học, đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước, làm cơ sở xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội), nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô sẽ không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
Kết quả của kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình. Vì vậy, kỳ thi là rất cần thiết.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, tạo động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của các thầy cô giáo lẫn học sinh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: Không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, chỉ có qua kỳ thi mới đánh giá được môn học nào, lĩnh vực nào, địa phương nào còn yếu.
Cần giữ ổn định
Từ những kết quả đã đạt được, các ý kiến đề nghị tiếp tục giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020, đồng thời tăng cường chuẩn hoá, ứng dụng công nghệ.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, giữ ổn định và hiện đại hoá, chuẩn hoá phương án tổ chức kỳ thi THPT là hướng đúng, khả thi. Kỳ thi đáp ứng được 3 nguyên lý giáo dục cơ bản: Học và thi; phi tập trung hoá, phân cấp, bảo đảm độc lập giữa người tổ chức thi và người sử dụng kết quả thi; tính liên ngành và ứng dụng công nghệ.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng đỗ trên 90% không cần tổ chức kỳ thi, nhưng không thi không được, vì nếu không thi các em sẽ không học, không chuẩn bị được đầy đủ kiến thức để học ở bậc cao hơn.
“Kỳ thi nên được tiếp tục tổ chức như năm nay với một số điều chỉnh kỹ thuật” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn thành. Việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định. Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới thi, là một quá trình, được bàn từ khi làm Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW.
Bộ GD&ĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì được người dân quan tâm. Qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.