Thi THPTQG 2018: Lưu ý khi làm bài Giáo dục công dân

GD&TĐ - Giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) phân tích đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân, kỳ thi THPT quốc gia 2018, qua đó đưa ra những lời khuyên hữu ích cho học sinh trong ôn tập, làm bài thi.

Thi THPTQG 2018: Lưu ý khi làm bài Giáo dục công dân

Những kiến thức, kĩ năng cần thiết đều có trong đề

Đánh giá của các thầy cô Trường THPT chuyên Hùng Vương, đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân năm 2018 bao gồm kiến thức cả lớp 11 và lớp 12. Trong đó có 8 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 và 32 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12.

Về cấu trúc, đề có 21 câu ở mức độ dễ, cơ bản; 8 câu ở mức độ vận dụng và 11 câu vận dụng cao. Tất cả các câu hỏi trong đề thi đều đảm bảo tính chính xác khoa học và có nội dung nằm ở phần chung của chương trình lớp 11 và 12 hệ THPT hiện hành, không chứa các nội dung giảm tải.

Các câu hỏi trong đề đã được biên soạn đảm bảo đề cập hết các đơn vị kiến thức học sinh cần biết, các kĩ năng học sinh cần có theo yêu cầu của chương trình; được sắp xếp từ dễ đến khó. Với những câu cơ bản, học sinh chỉ cần nắm vững nội dung cơ bản trong sách giáo khoa là làm được. Với những câu có tính phân loại, học sinh cần có tư duy phân tích và vận dụng kiến thức thực tế xã hội thì mới giải quyết được.

Tuy nhiên, câu 116 trong câu dẫn có mâu thuẫn, không tường minh giữa nhân vật A và B.

Bám vào từ khóa khi làm bài

Để ôn tập tốt với dạng đề thi này, học sinh cần tự hệ thống kiến thức theo từng bài sao cho phù hợp với năng lực, dễ hiểu, dễ nhớ: nên tham khảo phần đọc thêm trong sách giáo khoa và hệ thống câu hỏi các đề thi năm trước của Bộ GD&ĐT và của trường.

Trong quá trình học tập, ôn luyện, phải có ý thức xây dựng được thói quen đánh dấu lại các dạng câu hỏi, nội dung còn nhầm lẫn với nhau (như: giữa nội dung và định nghĩa), sau đó tìm từ khóa cho các nội dung để phân biệt.

Khi làm bào thi học sinh lưu ý: Thi trắc nghiệm không yêu cầu trình bày nội dung như tự luận mà là dựa vào kiến thức của bài nào, phần nào để đưa ra đáp án đúng. Đối với những câu hỏi vận dụng muốn tư duy nhanh để đưa ra phương án giải quyết thì phải bám vào các từ khóa (như: đã thực hiện việc gì?, đúng hay sai?, vi phạm cái gì?, không vi phạm cái gì?...) có ở cuối câu dẫn.

Đặc biệt, cần luôn cẩn thận với các câu có câu dẫn dài, nội dung phức tạp. Hãy đọc kĩ câu dẫn, nội dung từ khóa hỏi gì, đánh dấu đối tượng phù hợp của câu trả lời; kết thúc chọn một phương án đúng có đủ các đối tượng đã đánh dấu. Chú ý kiểm tra kĩ sự phù hợp giữa từ khóa hỏi và đối tượng được chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ