Độ khó cao hơn
Cấu trúc đề thi tham khảo môn Ngữ văn không thay đổi so với năm 2017. Cụ thể, đề gồm 2 phần:
Phần Đọc hiểu (3 điểm): gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi theo các mức độ: nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao.
Phần Làm văn gồm 2 câu. Câu nghị luận xã hội (2 điểm) có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với ngữ liệu đọc hiểu của phần đọc hiểu, cụ thể hướng tới yêu cầu bàn luận về vấn đề mang ý nghĩa thông điệp của đoạn trích. Để giải quyết câu nghị luận xã hội, học sinh cần nắm chắc nội dung cơ bản cùng mối quan hệ giữa các luận điểm của đoạn trích, những vấn đề ít nhiều đã được giải quyết trong câu hỏi đọc hiểu.
Câu nghị luận văn học (5 điểm) có sự thay đổi lớn nhất - kiểm tra đồng thời kiến thức lớp 11 và 12.
Về nội dung kiến thức, đề có khả năng kiểm tra toàn diện kiến thức lớp 12 và kiến thức lớp 11; kiểm tra kiến thức thuộc đủ các phân môn: tiếng Việt, tác phẩm văn học, làm văn. Đề tham khảo đồng thời có khả năng kiểm tra toàn diện về kĩ năng: kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học).
Chia sẻ sâu về độ phân hóa học sinh, các thầy cô Trường THPT chuyên Hùng Vương cho rằng: so với đề thi năm trước, phần nghị luận văn học ở đề thi minh họa năm 2018 khó hơn.
Học sinh muốn làm tốt đề này cần thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học; xác định đúng vấn đề nghị luận trọng tâm (vẻ đẹp hình tượng người lái đò qua cảnh vượt thác trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân), cần nắm vững những kiến thức cơ bản (dẫn chứng, giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm), vận dụng tốt các thao tác lập luận để liên hệ, so sánh ( hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân); bên cạnh đó đề thi còn đòi hỏi thí sinh cần phải tư duy tổng hợp để nhận xét quan niệm của Nguyễn Tuân về con người.
Vì độ khó tăng lên nên đề thi năm nay có khả năng phân hóa thí sinh cao hơn. Đặc biệt ở câu nghị luận văn học, đòi hỏi tư duy tổng hợp cao và tạo cơ hội cho học sinh phát huy năng lực. Phân hóa mạnh với đối tượng thí sinh chỉ thi tốt nghiệp và thí sinh thi đại học.
Cách ôn tập, làm tốt bài thi
Để làm tốt dạng đề thi tham khảo môn Ngữ văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản (tiếng Việt và văn học, làm văn) ở cả chương trình lớp 11 và lớp 12.
Đồng thời, rèn kĩ năng làm bài thường xuyên theo cấu trúc đề minh họa: kĩ năng làm các kiểu bài đọc hiểu; dựng đoạn văn nghị luận, kĩ năng phân tích văn xuôi và cảm nhận thơ; kĩ năng phân tích đề, tìm ý, triển khai ý, mở bài, kết bài, chuyển đoạn, trình bày, diễn đạt…
Học sinh tuyệt đối không học vẹt, học tủ. Cần bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT và sách giáo khoa, vì đó là văn bản pháp quy của nhà nước đề thi ra trong phạm vi sách giáo khoa. Lưu ý rằng tất cả những gì có trong sách giáo khoa đều có thể thi.
Học sinh nên tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức những năm trước của Bộ GD&ĐT và đề thi minh họa năm 2018. Nó sẽ giúp học sinh có một định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập và làm bài thi.
Cùng với đó là đọc tài liệu tham khảo (nên ghi chép, nên nhờ thầy cô giới thiệu những tài liệu tin cậy); thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật thông tin và nâng cao hiểu biết về các vấn đề xã hội.
Khi làm bài thi, học sinh cần đọc và phân tích kĩ đề; lập dàn ý sơ giản trước khi viết. Phân bố thời gian hợp lý: với 120 phút của môn Ngữ văn, phần đọc hiểu, thí sinh cần dành 15 phút để làm bài. Câu 1 phần làm văn cần dùng 20 phút, 85 phút còn lại nên dành cho câu nghị luận văn học.
Thí sinh chú ý tập trung làm bài; viết văn luôn cần có luận điểm rõ ràng; mở bài, kết bài hấp dẫn. Đặc biệt, đừng rời phòng thi khi chưa hết thời gian, hãy nỗ lực hết mình và tuyệt đối không gian lận.