Phân hóa mạnh hơn
Hai giáo viên Lịch sử Trường THPT Tam Nông nhận định: Đề được sắp xếp từ dễ đến khó theo từng mức độ nhận thức, tạo tâm lí tốt cho học sinh trong khi làm bài, phù hợp với yêu cầu đổi mới hoạt động dạy và học hiện nay.
Nội dung kiến thức bám sát chương trình, theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ; cơ bản được phủ đều trong các chủ đề chương trình lớp 11, 12. Trọng tâm là chương trình lớp 12.
Cụ thể, phần lịch sử 11 có 8 câu, chiếm 20%; lịch sử 12 có 28 câu (chiếm 80%), trong đó có 10 câu lịch sử thế giới (25%) và 22 câu lịch sử Việt Nam (55%).
Mức độ nhận biết, thông hiểu có 2 câu (chiếm 50%); trong đó chương trình lớp 11 có 6 câu, lớp 12 có 14 câu. Mức độ vận dụng thấp có tổng cộng 8 câu (chiếm 20%), trong đó chương trình lớp 11 có 2 câu, lớp 12 có 6 câu. Mức độ vận dụng cao có 12 câu (chiếm 30%), nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12; trong đó có 2 câu lịch sử thế giới và 10 câu lịch sử Việt Nam.
Có thể nói, đề thi tham khảo năm nay có sự phân hóa mạnh hơn năm 2017, phù hợp với các đối tượng học sinh. Nội dung lớp 11 tương đối cơ bản nên học sinh có thể giải quyết dễ dàng. 20 câu đầu cũng là phần kiến thức cơ bản, không nặng về nghi nhớ sự kiện máy móc nên học sinh trung bình có thể làm được, phù hợp với đối tượng học sinh thi xét tốt nghiệp THPT.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường và Phạm Thị Thu Phương cho biết: Học sinh để đạt được điểm 9 - 10 năm nay sẽ khó hơn. Để làm được những câu 29, 30, 31, 32, học sinh phải khái quát được kiến thức của 1 chương hoặc xâu chuỗi kiến thức của 2-3 chương, liên hệ, vận dụng thực tế mới làm được.
Các câu 33, 34, 36, 37... yêu cầu học sinh nắm vững bản chất sự kiện, vận dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, so sánh, liên hệ thực tế; đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực học sinh theo yêu cầu mới; phù hợp với mục tiêu xét vào các trường đại học tốp trên. Đề thi khắc phục được lối học ghi nhớ máy móc của học sinh trong học tập Lịch sử.
Cần phân chia kiến thức theo chuyên đề khi ôn tập
Chia sẻ cách ôn tập giúp học sinh làm tốt với dạng đề thi này, Cô Nguyễn Thị Thu Hường và Phạm Thị Thu Phương cho rằng: Học sinh phải nắm vững kiến thức sách giáo khoa theo chuẩn kiến thức kĩ năng.
Trong quá trình ôn tập, cần phân chia kiến thức theo chuyên đề, sâu chuỗi kiến thức của các chuyên đề từ chương trình 11- 12, giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới để thấy được tiến trình phát triển, bản chất vấn đề, tìm ra mối liên hệ, rút ra bài học, liên hệ thực tế; vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt các câu hỏi vận dụng cao.
Một điều cũng rất quan trọng là cần lập thời gian biểu khoa học ôn tập phù hợp cho từng môn theo mục đích xét tốt nghiệp và đại học. Đồng thời sử dụng các phương pháp học tập khoa học, lập bảng biểu, vẽ sơ đồ tư duy, vẽ sơ đồ tiến trình lịch sử để ôn tập hiệu quả hơn. Học sinh cũng cần luyện nhiều đề để củng cố kiến thức và rèn kĩ năng làm bài.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường và Phạm Thị Thu Phương