Phân môn Vật lý phân hóa rõ
Thầy Phùng Anh Tuấn (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) đánh giá: Đề thi tham khảo phân môn Vật lý sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức, bám sát định hướng đánh giá năng lực người học và phát huy tinh thần đổi mới hoạt dộng dạy học hiện nay.
Đề thi không có câu nào giao thoa kiến thức lớp 11 và 12, chủ yếu kiến thức lớp 12. Trong đó, kiến thức thuộc các phần điện xoay chiều, dao động cơ và sóng cơ. Các câu hỏi vận dụng cao chỉ nằm trong 3 chương đầu Vật lý lớp 12, không có trong lớp 11.
Đề có mức độ khó phù hợp, sự phân hóa thể hiện rõ. Các câu hỏi mang tính phân loại cao khai thác tư duy vật lí sâu sắc gồm các kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, khai thác đồ thị,…
Để rèn luyện tốt các nội dung kiến thức vật lý, thầy Phùng Anh Tuấn lưu ý học sinh cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, sách bài tập; sử dụng kiến thức làm các bài tập cơ bản một cách thuần thục; tìm tòi làm bài tập trong các sách nâng cao; tổng hợp kiến thức cho riêng mình, biến kiến thức sách vở mình học thành nguồn của mình và bám sát vào cấu trúc đề thi minh họa năm 2018 cũng như đề thi các năm học trước.
Phân môn Hóa học: cân đối kiến thức, kĩ năng
Nhận xét về đề thi tham khảo phân môn Hóa học, cô Cù Thị Thúy Hồng (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) cho rằng: Đề thi có cấu trúc hợp lý, cân đối giữa các phần kiến thức và kĩ năng. Nội dung kiến thức đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, học gì thi đó theo đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT.
Kiến thức chủ yếu là kiến thức lớp 12 (32 câu) và lồng ghép kiến thức lớp 11 (8 câu).Lượng câu hỏi lý thuyết là 24 câu (khoảng 60%) và bài tập là 16 câu (khoảng 40%), tuy nhiên bài tập tính toán hơi dài. Đề thi đã có sự phân hóa khá rõ.
Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này, cô Cù Thị Thúy Hồng lưu ý, nội dung kiến thức có cả lớp 11 và 12 nên học sinh cần ôn tập theo các chủ đề tổng hợp theo từng mảng kiến thức lồng ghép của chương trình Hóa học 11, 12, cụ thể: Dạng bài tập toán hóa cơ bản; dạng câu hỏi lý thuyết tổng hợp: số đếm, nhận định...; dạng bài toán khó hay gặp.
Với mục tiêu 5 - 6 điểm, học sinh cần học chắc kiến thức trong sách giáo khoa cơ bản (đã bỏ đi những nội dung giảm tải) và tập trung làm tốt các câu hỏi lý thuyết trong đề.
Với mục tiêu 7 - 8 điểm, học sinh cần bổ sung thêm kĩ năng giải một số dạng toán hóa cơ bản trong đề thi (ứng với khoảng 32 câu đầu tiên).
Với mục tiêu 9 - 10 điểm, học sinh cần nắm vững các phương pháp và kĩ thuật giải toán quan trọng (quy đổi, xử lý bài toán đốt cháy, kĩ năng biện luận, đồng đẳng hóa…) cũng như vận dụng linh hoạt các kiến thức hóa học trong giải quyết tình huống.
Phân môn Sinh học:
Cô Lê Thị Xuân Thu (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) phân tích phân bố nội dung kiến thức đề thi tham khảo phân môn Sinh học như sau:
Nội dung kiến thức lớp 11 có 8 câu, trong đó 5 câu ở mức độ nhận biết, 3 câu mức thông hiểu. Nội dung kiến thức lớp 12 phần cơ chế di truyền và biến dị có 9 câu; trong đó 2 câu ở mức độ nhận biết, 3 câu thông hiểu, 4 câu vận dụng.
Nội dung kiến thức lớp 12 phần quy luật di truyền gồm 10 câu; trong đó 1 câu ở mức độ nhận biết, 2 câu thông hiểu, 3 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao.
Nội dung kiến thức lớp 12 về quần thể có 3 câu: 1 câu nhận biết; 2 câu vận dụng. Nội dung tiến hóa có 3 câu (2 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu). Nội dung sinh thái có 7 câu (2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 3 câu vận dụng).
Như vậy, trong tổng số 40 câu hỏi có 12 câu ở mức độ nhận biết, 11 câu mức thông hiểu, 12 câu ở mức vận dụng và 4 câu mức vận dụng cao.
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Vận dụng cao | Tổng số câu | |
Lớp 11 | 5 | 3 | 0 | 8 | |
Lớp 12 Cơ chế di truyền và biến dị | 2 | 3 | 4 | 9 | |
Lớp 12 Quy luật di truyền | 1 | 2 | 3 | 4 | 10 |
Lớp 12 Quần thể | 1 | 2 | 3 | ||
Lớp 12 Tiến hóa | 2 | 1 | 3 | ||
Lớp 12 sinh thái | 2 | 2 | 3 | 7 | |
Tổng | 13 | 11 | 12 | 4 | 40 |
Nhận định của cô Lê Thị Xuân Thu: Phân bổ kiến thức giữa các nội dung là hợp lí bám sát theo mục tiêu kiến thức, kĩ năng sinh học. Mức thông hiểu và nhận biết chiếm khoảng 60% là phù hợp cho đối tượng học sinh xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, cần lưu ý mức độ khó để phân hóa học sinh đặc biệt ở mức 9 và 10 điểm. Nội dung câu hỏi để phân hóa học sinh còn tập trung chủ yếu là câu hỏi bài tập, chưa nhiều câu hỏi tư duy lập luận so sánh, tổng hợp kiến thức.
Từ những phân tích trê, cô Lê Thị Xuân Thu chia sẻ cách ôn tập với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 ôn kiến thức cơ bản: ôn theo chủ đề mỗi chủ đề xây dựng sơ đồ tư duy, phát triển sơ đồ tư duy dưới dạng các bài tập xác định khẳng định đúng sai, bài tập ghép nối cột, bài tập điền vào chỗ trống. Giai đoạn 2 mở rộng kiến thức bằng cách mở rộng sơ đồ tư duy dựa trên nền tảng sơ đồ tư duy ở giai đoạn 1, xây dựng các dạng bài tập vận dụng tương ứng. Giai đoạn 3: luyện đề.
"Để ôn tập tốt môn học này, từ đó đạt điểm bài thi như ý, học sinh cần chủ động, tự giác, tích cực học tập, tìm phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân" - cô Lê Thị Xuân Thu lưu ý.