Xu hướng mới của lao động trẻ
Đáng chú ý, tại tỉnh Lai Châu, tỷ lệ đăng ký dự thi chỉ xét tốt nghiệp THPT lên tới hơn 70%, một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai tỷ lệ này cũng ở mức trên 50%… Tại một số tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp lên ĐH, CĐ chỉ chiếm khoảng 40%, số còn lại đi làm hoặc tham gia học nghề. Đây được xem là tỷ lệ học sinh THPT dự thi để xét công nhận tốt nghiệp cao nhất trong những năm trở lại đây.
Đánh giá về thực tế này, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng, các em chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký thi ĐH là một xu hướng khá mới trong vài năm trở lại đây.
Xu hướng này phản ánh thị trường lao động đang tạo ra nhiều hơn những cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Tất nhiên, không phải người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới có việc làm, nhưng đây cũng không phải là một xu hướng tích cực, mà chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt.
Về lâu dài, trong thị trường lao động mới, người lao động cũng rất cần phải có trình độ và kiến thức, kỹ năng vì vậy các em cần phải qua đào tạo một cách bài bản, dù ở một trình độ nào.
Đối với GDNN trong xu hướng thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng có thêm những cơ hội tuyển sinh. Đây cũng là xu hướng có được dựa trên những chính sách về hướng nghiệp, phân luồng của Nhà nước trong những năm vừa qua đã phát huy hiệu quả.
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và các địa phương, tập trung tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh THPT, THCS để các em có thêm những thông tin bổ ích trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai của mình, mà không chỉ là con đường duy nhất vào ĐH.
85% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm
Hệ thống GDNN trong thời gian vừa qua đã được Nhà nước đầu tư khá mạnh mẽ, các điều kiện bảo đảm chất lượng được nâng lên; chất lượng và hiệu quả của các trường nghề đã có khởi sắc rõ nét.
Cũng theo ông Trương Anh Dũng, năm 2018, có tới 85% HSSV hệ thống GDNN ra trường có việc làm, thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Thực tế trên cho thấy, nhu cầu của thị trường về lực lượng lao động có tay nghề đã tăng.
Nhiều doanh nghiệp rất khan hiếm và khó tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề. Đây là một lực hút hấp dẫn đối với lao động trẻ tham gia vào GDNN trước khi bước vào thị trường lao động. Trong 2 năm vừa qua, tuyển sinh GDNN luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Sau các kỳ thi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề, các doanh nghiệp đến tham gia tuyển dụng ngay tại trường rất đông. Có những ngành nghề, HSSV còn chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Tại những buổi lễ tốt nghiệp, thường có từ 80 - 90% HSSV được tuyển dụng ngay. Thậm chí, doanh nghiệp đến chậm còn không tuyển được lao động theo yêu cầu.
Trong thời gian tới, hệ thống GDNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp. Theo kinh nghiệm thế giới, đối với GDNN nếu không tích cực truyền thông, thay đổi nhận thức thì ngay tại các nước phát triển việc tuyển sinh đầu vào cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, về tổng thể, đặc biệt những trường trung cấp, cao đẳng ở vùng khó khăn, công tác tuyển sinh còn nhiều hạn chế, vì những điều kiện bảo đảm chất lượng còn rất thiếu thốn, trong khi cơ hội việc làm tại đây lại không nhiều.
Nâng cao chất lượng đào tạo, ngành tập trung vào các giải pháp đột phá như: Xây dựng các tiêu chuẩn, chương trình đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; cải thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng, liên quan đến trang thiết bị, máy móc, năng lực của đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các cơ sở GDNN; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng THCS, THPT và đối tượng lao động đang làm việc có nhu cầu về cải thiện và nâng cao trình độ kỹ năng lao động tham gia vào GDNN, thay đổi tuyển dụng dựa trên bằng cấp bằng tuyển dụng dựa trên năng lực, kỹ năng của người lao động.