Tính riêng ở Nghệ An, có hơn 40% thí sinh không đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tín hiệu này thể hiện nét mới trong xu hướng chọn nghề, chọn trường của học sinh và phụ huynh.
Cụ thể, theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có tới gần 13.000 trong tổng số 32.000 thí sinh đăng kí dự thi lấy điểm xét tốt nghiệp, không đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Hơn 41% không lựa chọn con đường đại học
Đang học lớp 12A4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhưng em Nguyễn Thị Hằng đã hoàn thành khóa học nghề nấu ăn. Hằng học nghề từ năm lớp 10. Trước đó, em có ý định học nghề may để sau này đi làm công nhân ở các khu công nghiệp nhưng nhận thấy năng khiếu của con cũng như xu hướng nghề nghiệp trong thời gian tới, bố Hằng khuyên con gái học nghề nấu ăn. Sau khi tham khảo ý kiến người thân cũng như nhận thấy năng khiếu, sở thích của bản thân, Hằng quyết định đi học nấu ăn.
“Em thi THPT quốc gia chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp. Khi có bằng tốt nghiệp THPT, em sẽ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Canada làm nghề nấu ăn, hoặc phục vụ trong các nhà hàng theo những kỹ năng em đã được học ở trung tâm”, nữ sinh cho biết.
Hằng là một trong số gần 13.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của tỉnh Nghệ An để lấy điểm xét tốt nghiệp, chiếm hơn 41% tổng số thí sinh đăng kí dự thi của toàn tỉnh. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, tỉ lệ thí sinh không đăng kí xét tuyển đại học năm nay cao nhất trong những năm qua. Nếu như trước đây, lựa chọn này chủ yếu là học sinh miền núi, vùng khó khăn, thí sinh các Trung tâm giáo dục thường xuyên thì năm nay đã trải đều ở các vùng, các khu vực, kể cả vùng đồng bằng thuận lợi và đô thị.
Được đánh giá là học lực khá đều các môn nhưng Phan Quang Đạt (12A7, Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) không đăng ký xét tuyển đại học. Mục tiêu của Đạt là kiếm tấm bằng tốt nghiệp rồi làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Lớp của Đạt có 37 học sinh thì có đến 28 học sinh đăng ký thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tốt nghiệp và đăng kí vào các trường nghề hoặc lựa chọn hướng đi khác.
“Em nghĩ đi XKLĐ tốt cho bản thân và gia đình hơn. Sau thời gian đi XKLĐ, em sẽ có số vốn kha khá cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được để tìm cho mình một hướng đi mới. Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công”, Đạt chia sẻ.
Xu hướng chọn trường nghề thay vì vào đại học cũng đã có sự chuyển biến tích cực trong các phụ huynh. Nếu như trước đây, có con em vào đại học là một sự vinh dự, cơ hội “nở mày nở mặt” với xóm làng thì hiện nay, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn "thoáng" hơn về việc chọn trường, chọn nghề của con em mình.
Ông Nguyễn Văn Hải có con đang học lớp 12, Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: “Chúng tôi định hướng cho cháu học hết THPT thì đi học nghề. Việc học nghề phù hợp với năng lực của cháu hơn, hơn nữa, cũng bớt cho gia đình một gánh nặng về kinh tế bởi giờ tốt nghiệp đại học ra trường rất khó tìm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo, nhiều cháu phải gác bằng đại học đi làm công nhân, làm thuê hoặc chấp nhận làm trái ngành nghề mà mức lương cũng không đủ chi trả cuộc sống”.
Xu hướng tất yếu
Trường THPT Tân Kỳ 3 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có hơn 60% học sinh lớp 12 không đăng kí xét tuyển đại học. Theo ông Nguyễn Quang Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ 3 thì đây là xu thế khách quan, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, sự lựa chọn tương lai nghề nghiệp và trình độ năng lực của các em học sinh.
Thống kê của Trường THPT Nam Đàn 2, trong kỳ tuyển sinh năm nay, có tới gần 70% học sinh không đăng kí xét tuyển đại học, trong đó có nhiều em có học lực khá, học lớp chọn của trường.
“Khảo sát sơ bộ cho thấy các em có nguyện vọng lấy bằng tốt nghiệp THPT xong sẽ đi XKLĐ, đi du học diện vừa học vừa làm hoặc đăng kí vào các trường nghề. Đây là một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tương lai nghề nghiệp của các em. Hiện nay, học sinh và phụ huynh đã có cái nhìn thực tế hơn về xu hướng nghề nghiệp của con em mình”, ông Lê Văn Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 chia sẻ.
Để có sự thay đổi này, công tác hướng nghiệp được nhà trường hết sức chú trọng. Bên cạnh phối hợp với các trường nghề, các trung tâm xuất khẩu lao động, du học trên địa bàn tổ chức các buổi tư vấn, nhà trường thường xuyên cập nhập xu hướng, dự báo cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh, cơ chế tuyển dụng của các cơ quan nhà nước và xu hướng tinh giản biên chế mà tỉnh đang thực hiện để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với thực tế cũng như khả năng, năng lực của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An thì tỉ lệ không xét tuyển đại học mà chọn các trường nghề trong những năm gần đây tăng cao và là một xu hướng tích cực.
“Hiện các cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, vì vậy nhiều sinh viên, cử nhân, thạc sĩ ra trường không xin được việc làm. Trong khi đó, với nền kinh tế mở, nhiều khu công nghiệp mới được hình thành, các nhà tuyển dụng quan tâm lựa chọn những người thợ vững tay nghề. Điều này cũng đã tác động đến xu hướng chọn nghề, chọn trường của các em học sinh lớp 12”, ông Khoa nhận định.
Tuy nhiên, việc chọn nghề, chọn trường, theo ông Khoa, phụ huynh học sinh nên nghiên cứu kỹ năng lực của con em mình. Nếu các em học giỏi, có kiến thức và đam mê ngành nghề yêu thích có thể đăng kí vào các trường đại học. Con đường thứ 2 là lựa chọn vào các trường nghề chất lượng cao để có thể phục vụ cho các khu công nghiệp. Hướng đi thứ 3, các em có thể chọn hướng đi XKLĐ hay du học vừa học vừa làm.