Rèn kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề
Thí sinh nghề Điện tử được lựa chọn tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay là Nguyễn Duy Hiếu, sinh viên khoa Điện tử của nhà trường.
Trước đó, năm 2018, Hiếu đã giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2018. Chia sẻ về quá trình luyện thi, Hiếu cho biết: Điểm mới của nghề Điện tử tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay là đề thi kín, do tổ chức độc lập ra đề. Em đã được các thầy hướng dẫn phân tích đề thi tay nghề thế giới năm 2017 để từ đó lập kế hoạch ôn luyện cơ bản và theo chủ đề.
Quá trình luyện thi em cũng được nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất về thời gian học tập, ôn luyện, máy móc, nguyên vật liệu… Được sự hướng dẫn của các thầy, đến nay em đã thành thạo và tự tin với những kỹ năng cơ bản, cải thiện được tốc độ hoàn thành các mô đun của đề thi giả định.
Trao đổi về quá trình huấn luyện thí sinh, ông Hoàng Mạnh Kha - Phó Trưởng khoa Điện tử, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong 2 tháng qua, thí sinh tập trung vào luyện tập các mô đun vừa kết hợp hoàn thành các môn học trong chương trình đào tạo.
Kế hoạch tổ chức ôn luyện căn cứ vào đề thi của các năm trước, phân phối lại các nội dung cho phù hợp. Trong đó, đối với nghề Điện tử có 4 nội dung: Thiết kế trên máy tính, thiết kế mạch, lập trình, đo lường sửa lỗi mạch và lắp ráp phần điện tử.
Hiện nay, các thí sinh đã ôn luyện xong phần cơ bản, tới đây sẽ tập trung vào thiết kế các đề thi theo yêu cầu của Kỳ thi tay nghề thế giới, rèn luyện cho thí sinh những kỹ năng tiếp cận và giải quyết tình huống của đề thi.
Đánh giá về năng lực thí sinh, ông Kha cho rằng, đối với nghề Điện tử, thế mạnh của thí sinh Việt Nam vẫn được duy trì, nhưng về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tiếp cận đề thi còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó tốc độ thực hiện đề thi cũng là một khó khăn cần được cải thiện. Vì vậy, quá trình ôn luyện phải đưa ra nhiều tình huống để thí sinh có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề.
“Thí sinh Việt Nam có thế mạnh là tay nghề khéo léo, tuy nhiên xu hướng hiện nay của hầu hết các nghề, đặc biệt các nghề công nghệ cao như Điện tử, Công nghệ thông tin… thì kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề quan trọng hơn nhiều so với tay nghề”, ông Kha cho biết.
|
Hỗ trợ tối đa
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Phạm Văn Bổng, nhà trường là đơn vị huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 ở các nghề Điện tử, Điện lạnh, Kỹ thuật khuôn đúc nhựa và Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD. Trong đó, có 2 nghề được doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ huấn luyện là Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD và Kỹ thuật khuôn đúc nhựa. Hai nghề Điện tử và Điện lạnh do chuyên gia của nhà trường trực tiếp huấn luyện.
Tạo điều kiện tối đa cho đội ngũ chuyên gia và các thí sinh tập trung ôn luyện, nhà trường đã giao cho trung tâm hợp tác doanh nghiệp trực tiếp quản lý các hoạt động huấn luyện.
Công tác huấn luyện đang được thực hiện đúng các nội dung và tiến độ đã đề ra. Kế hoạch học tập của các thí sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế, để sau khi dự thi thí sinh quay về vẫn bảo đảm được chương trình học tập tại trường.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Trong các Kỳ thi tay nghề thế giới bao giờ cũng có những kỹ năng và công nghệ mới được đưa vào đề thi, đặc biệt là các ngành Điện tử, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin...
Vì vậy, quá trình luyện thi các chuyên gia cần đúc rút kinh nghiệm của những kỳ thi trước, phân tích kỹ những lỗi mà thí sinh có thể gặp, giải pháp xử lý lỗi, phán đoán những điểm mới.
Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ với chuyên gia nước ngoài để cập nhật các yêu cầu về kỹ thuật và kỹ năng mới của nghề để công tác huấn luyện thí sinh đạt hiệu quả cao nhất.