(GD&TĐ)-Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn thời gian thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ tại Sở GD&ĐT. Nhiều trường THPT cũng đang ở giai đoạn hoàn tất việc thu nhận hồ sơ ĐKDT. Ghi nhận ban đầu là dù đã thực tế hơn trong việc lựa chọn trường vừa sức, tuy nhiên, thí sinh vẫn dành sự ưu ái cho nhóm ngành kinh tế.
Thí sinh tìm hiểu thông tin trước khi lựa chọn trường thi. |
Ban tuyển sinh Trường THPT An Dương – Hải Phòng cho biết, trong số trên 900 hồ sơ ĐKDT trường nhận được thì chỉ có trên 50 hồ sơ học sinh ĐKDT vào các trường ở Hà Nội, còn lại hầu hết là trường đóng trên địa bàn. Cụ thể, có 415 học sinh ĐKDT vào ĐH Hải Phòng; 242 ĐKDT vào ĐH Hàng hải; 125 ĐKDT trường ĐH Y Hải Phòng và 99 hồ sơ dự thi vào ĐH Dân lập Hải Phòng.
Khi được hỏi, nhiều học sinh của Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) đều quan tâm đến ĐH Hàng hải vì các em không phải đi học xa nhà, tiết kiệm được chi phí, trong khi đó vẫn dễ tìm việc làm sau khi ra trường. Trong khi đó, tại trường THPT chuyên Trần Phú Hải Phòng, nơi hầu hết học sinh có học lực khá giỏi thì chủ yếu chọn trường ĐKDT tại các trường tốp trên ở Hà Nội.
Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) cũng cho biết đã nhận được khoảng 2.000 hồ sơ ĐKDT nhưng số lượng hồ sơ thi vào những trường top trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng... chỉ khoảng từ 40 đến 50 hồ sơ.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực khi thí sinh biết tự lượng sức trong chọn trường thì vấn đề chọn ngành dường như vẫn chưa có thay đổi khả quan. Theo ghi nhận tại một số điểm thu nhận hồ sơ, khối lượng hồ sơ ĐKDT vẫn nghiêng ưu thế về lĩnh vực kinh tế. Như trường THPT Trần Phú (Hà Nội), năm nay, có đến 85% số học sinh trong trường ĐKDT vào các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế; số còn lại đăng ký các nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học xã hội…
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, phần đông thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT đều tập trung vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán… Còn tại văn phòng tuyển sinh Bộ GD&ĐT tại phía Nam, trong số khoảng gần 4.000 hồ sơ ĐKDT nhận được có tới trên 80% thí sinh chọn nhóm ngành kinh tế, trong đó, nhiều nhất là ĐH Kinh tế TPHCM với trên 20% hồ sơ ĐKDT...; trong khi đó, số lượng hồ sơ vào các trường ĐH địa phương vô cùng khan hiếm.
Thời điểm kết thúc thu nhận hồ sơ tại các Sở GD&ĐT là ngày 14/4. Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn cho mình trường và ngành học phù hợp vì nếu trong thời gian trên chưa kịp nộp hồ sơ, thí sinh có thể đến nộp trực tiếp tại trường mình ĐKDT từ ngày 15/04 đến 17.00 giờ ngày 21/04/2011.
Trường phòng đào tạo ĐH Y dược Cần Thơ, ông Nguyễn Trung Kiên nhắn nhủ, thí sinh nên tìm hiểu kỹ ngành, nghề đào tạo của các trường qua nhiều kênh thông tin. Từ đó cân nhắc kỹ về sở thích, tính cách, năng lực và điều kiện gia đình... để chọn ngành học cho phù hợp. Thí sinh phải định hướng việc học tập rõ ràng, nếu chọn học trường y thì phải cố gắng học tập thật tốt, bởi khối ngành y, dược, răng hàm mặt có điểm chuẩn, tỷ lệ chọi khá cao.
Bên cạnh đó, thí sinh cần nắm vững qui chế tuyển sinh, nguyện vọng 2, đào tạo theo địa chỉ sử dụng... Nếu không nắm rõ, thí sinh nên hỏi cán bộ tư vấn tuyển sinh ở các trường ĐH. Quan trọng là thí sinh cần chuẩn bị sức khỏe tốt, dành thời gian học bài hợp lý, tránh trường hợp đến ngày thi bị bệnh, phải bỏ thi. Thí sinh cũng nên cân nhắc việc học thêm, luyện thi. Bởi vì, vài năm gần đây, đề thi nằm trong chương trình THPT, thí sinh chỉ cần hệ thống hóa kiến thức cho thật tốt.
Lập Phương