Thế khó của Ukraine

GD&TĐ - Chiến dịch phản công của Ukraine đang ngày càng đến đỉnh điểm thì NATO cảnh báo phương Tây sắp cạn vũ khí viện trợ cho Kiev.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong khi đó, bất ổn tại Quốc hội Mỹ khiến dòng viện trợ từ nước này cho Kiev cũng nguy cơ bị ngưng trệ.

Tại Diễn đàn An ninh Warsaw vừa diễn ra, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO cho biết, quân đội các nước phương Tây đang phải “vét đáy thùng đạn dược” để hỗ trợ cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cho rằng các nước NATO sẽ không thể ngừng viện trợ đạn dược cho Ukraine.

Để có thể tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, theo ông Heappey không còn cách nào khác là các nước trong khối NATO phải xây dựng lại kho dự trữ đạn dược của mình để có thể vừa phục vụ nhu cầu quốc phòng trong nước vừa hỗ trợ Ukraine.

Bối cảnh khó khăn này đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine trở thành một trong những cuộc xung đột tiêu hao khí tài lớn nhất từ trước đến nay.

Cả hai bên đều tiêu tốn rất nhiều đạn pháo nhưng lại không đạt được mục tiêu mà mỗi bên vạch ra cho mình, dẫn đến tiêu thụ đạn dược trên chiến trường ngày càng thêm nhiều.

Tình thế của Ukraine càng thêm khó khăn bội phần khi ngày 30/9 vừa qua, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ phải đóng cửa trong vòng 45 ngày (từ ngày 1/10 đến 17/11). Dự luật bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai nhưng lại không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó phải lập tức lên tiếng trấn an rằng Ukraine có thể tiếp tục tin tưởng vào Washington vì Mỹ sẽ không bao giờ rời đi. Lời khẳng định này khó có thể khiến Kiev yên tâm hoàn toàn khi Giám đốc Tài chính của Lầu Năm Góc là Michael McCord ngày 2/10 đã gửi thư cảnh báo Quốc hội Mỹ, trong đó nêu hậu quả đối với cuộc phản công của Ukraine hiện nay nếu Mỹ không tiếp tục viện trợ quân sự một cách kịp thời.

Quan chức này cũng tiết lộ thực tế Mỹ đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kiev thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, một quỹ được lập ra để cung cấp tiền ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai. Ông nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc cũng cần kinh phí để bổ sung cho kho dự trữ quân sự, vốn đã được trích một phần để gửi tới Ukraine thông qua các gói viện trợ an ninh.

Nếu yêu cầu ngân sách không được đáp ứng, Lầu Năm Góc có thể phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự quan trọng và cấp bách hiện nay như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong khi phía Nga được cho là đang chuẩn bị để tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào mùa Đông.

Tình thế ngày càng khó khăn khiến chính Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/10 phải thừa nhận rằng, ông lo ngại nguồn viện trợ dành cho Ukraine có thể bị gián đoạn do bất ổn tại Quốc hội Mỹ. Ông cho biết sẽ buộc phải chuẩn bị các hành động để kêu gọi tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có khoảng 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự.

Hồi tháng 8 năm nay, Tổng thống Biden đã đề nghị Quốc hội viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Nhưng tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev chính là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nghị sĩ Mỹ rơi vào bế tắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...