Tại sao oxy không phải “liều thuốc” cho số đông?

GD&TĐ - Đối với các bệnh liên quan đến đường hô hấp như Covid-19, oxy đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Nhưng sản phẩm này không hề phổ biến như mọi người lầm tưởng vì khó vận chuyển, lưu trữ và giá thành cao.

Người dân Ấn Độ giành giật từng bình oxy trong làn sóng Covid-19.
Người dân Ấn Độ giành giật từng bình oxy trong làn sóng Covid-19.

Các phương pháp truyền oxy

Oxy là phương pháp điều trị y tế cần thiết để cứu sống con người. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tầm quan trọng của oxy càng trở nên rõ rệt khi Ấn Độ ghi nhận mức tử vong cao kỷ lục vì đại dịch Covid-19.

Thực tế, trong suốt năm qua, tình trạng thiếu oxy y tế đã tấn công các bệnh viện ở Brazil,  Nigeria, Jordan, Italy… Tại Mỹ, nguồn cung cấp oxy tại các bệnh viện ở thành phố New York, California có lúc xuống thấp đến mức đáng báo động. Những điều này đã thu hút sự chú ý của quốc tế.

Sự thiếu hụt oxy không phải hiện tượng mới. Các chuyên gia cho biết, đại dịch chỉ nới rộng khoảng cách tiếp cận oxy. Vấn đề này đã gây ra vô số ca tử vong, vốn có thể phòng ngừa hàng năm ở các nước thu nhập trung bình, thấp.

Oxy y tế đậm đặc hơn oxy trong không khí. Thành phần khí quyển gồm 2 nguyên tố chính là nitơ (chiếm khoảng 78% theo thể tích) và oxy (chiếm khoảng 21% theo thể tích). Nhưng oxy y tế có độ tinh khiết tối thiểu là 82%, có thể được điều chế hóa học.

Oxy được sử dụng như thuốc điều trị dành cho binh lính hít phải khí độc trong Thế chiến thứ nhất. Oxy đặc biệt quan trọng đối với các bệnh về đường hô hấp như Covid-19, viêm phổi, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em ở các nước thu nhập thấp.

Nhưng oxy không phải lúc nào cũng sẵn có cho bệnh nhân ở các nước thu nhập trung bình, thấp. Hệ thống cung cấp oxy là khác nhau tùy thuộc vào: Cơ sở vật chất lớn hay nhỏ; môi trường thành thị hay nông thôn; cộng đồng thu nhập cao hay thấp.

Các bệnh viện lớn trên thế giới có bồn chứa oxy lỏng khổng lồ. Chúng được đưa đi khắp bệnh viện, có thể tắt, mở như vòi nước. Hệ thống này đặc biệt tốn kém với các cơ sở y tế nhỏ do phải liên kết với các công ty khí đốt. Việc xây dựng các đường ống dẫn oxy lỏng cũng là khoản đầu tư khổng lồ, khó thực hiện ở những khu vực nghèo khó.

Thay vào đó, các cơ sở y tế tại nông thôn hoặc tại các nước thu nhập thấp thường sử dụng oxy trong các bình riêng lẻ do công ty khí đốt sản xuất. Xi lanh chứa oxy có khối lượng lớn, áp suất cao nên việc vận chuyển tương đối nguy hiểm.

Do liên tục cạn kiệt, một xi lanh thường chỉ đủ oxy cho một người trưởng thành trong 1 - 3 ngày. Điều này đồng nghĩa cơ sở y tế cần phải dự phòng rất nhiều bình oxy.

Máy tạo oxy

Nhiều bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi vì thiếu oxy.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi vì thiếu oxy.

Một phương án tối ưu hơn để cung cấp nguồn oxy liên tục là máy tạo oxy. Xuất hiện từ những năm 1970, máy tạo oxy chứa các tinh thể zeolit, hấp thụ nitơ trong không khí để tạo ra oxy tinh khiết.

Nguồn oxy này được truyền tới bệnh nhân qua hai ngạnh đặt trong lỗ mũi. Một máy có thể cung cấp oxy cho hai trẻ em cùng lúc nhưng yêu cầu nguồn điện ổn định. Nếu mất điện, bệnh nhân có thể tử vong.

Do trở ngại này, các kỹ sư đã thiết kế máy hoạt động bằng năng lượng mặt trời, hoạt động theo mô hình tương tự nhưng sử dụng pin mặt trời. Ngoài ra, máy tạo oxy có thể lắp đặt số lượng lớn tại các bệnh viện quy mô trung bình. Họ có nhiệm vụ nạp đầy xi lanh oxy và cung cấp cho các cơ sở nhỏ hơn.

Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cần có nhân viên chuyên môn để sử dụng và bảo trì máy oxy. Nếu không, máy chỉ sử dụng được từ sáu tháng đến một năm. Bệnh viện cũng phải kết nối với các nguồn, nhà đầu tư, công ty sản xuất oxy để đặt hàng sản phẩm khi các bình oxy có dấu hiệu cạn kiệt nhằm đảm bảo nguồn cung liên tục, sẵn sàng.

Bị lãng quên

Thế giới đã quá tập trung vào việc nghiên cứu và điều chế vắc-xin phòng Covid-19 mà quên mất oxy cũng là nguồn cung thiết yếu. Bởi vì oxy là phương pháp điều trị cũ, mức độ ưu tiên thấp.

Robert Matiru, Giám đốc Cơ quan Y tế quốc tế Unitaid, thừa nhận sự khan hiếm oxy đang rất được quan tâm. “Lẽ ra thế giới nên cảnh tỉnh vấn đề này trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ.

Thật không may Ấn Độ lại trở thành hồi chuông cảnh báo cho chính phủ các nước về tầm quan trọng của oxy”, ông Robert cho biết.

Năm 2020, một liên minh các tổ chức phi chính phủ đã cho ra mắt Công cụ theo dõi nhu cầu oxy trong đại dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, nhu cầu về oxy tăng kỷ lục, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải thành lập Lực lượng đặc nhiệm oxy Covid-19 vào tháng 2/2021.

Mục tiêu là phân bổ 90 triệu USD cho nhu cầu sử dụng oxy ở các nước thu nhập trung bình, thấp trong năm 2021 và tài trợ 1,6 tỷ USD cho năm tiếp theo.

Theo ông Robert, Lực lượng đặc nhiệm oxy có nhiệm vụ gồm: Thu hút sự chú ý đến cuộc khủng hoảng oxy; Giảm giá oxy cho các nước thu nhập trung bình, thấp; Kết nối nhu cầu oxy ở các nước này với nguồn cung toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng phản ứng của WHO và chính phủ các nước là chưa đủ nhanh để giải cứu các quốc gia có khả năng hứng chịu tác động tiêu cực của Covid-19. Nhiều quốc gia thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn Ấn Độ.

Đại dịch đã khơi mở hiểu biết về tầm quan trọng của hệ thống oxy nhưng thế giới cần đầu tư nhiều và nhanh hơn nữa trong cuộc đua cứu lấy “hơi thở” của loài người.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ