Trong số đó, có những khoảnh khắc mang tính đột phá khó có thể tưởng tượng được.
Đại dương ẩn giấu ở vòng ngoài Hệ Mặt trời
Các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm bằng chứng thuyết phục về các đại dương ở vòng ngoài của Hệ Mặt trời. Đến tháng 2/2024, các nhà thiên văn học tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng về một đại dương ẩn trên vệ tinh Mimas của sao Thổ. Sau đó, tháng 10/2024, dữ liệu thuyết phục chỉ ra một đại dương khác nằm bên trong vệ tinh Miranda của sao Thiên Vương.
Việc tìm ra bằng chứng cho thấy đại dương phổ biến trong Hệ Mặt trời là rất quan trọng. Bởi như đã biết, sự sống rất ưa nước và mặc dù, chúng ta không biết liệu những vệ tinh mang nước này có chứa sự sống hay không (cho dù là vi khuẩn hay thứ gì đó giống cá hơn), song hiện tại có nhiều nơi hơn để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ so với những gì các nhà khoa học từng mơ ước.
Lập bản đồ bộ não của ruồi giấm
Với nhiều nhà khoa học, ruồi giấm có tên khoa học Drosophila melanogaster là một trong những loài quan trọng nhất trên hành tinh. Não của chúng rất nhỏ, nhưng nó thực hiện nhiều quá trình thần kinh cơ bản giống não người, từ tìm kiếm thức ăn hay khi “giao lưu” với một thành viên khác trong loài.
Tháng 10/2024, não của một con ruồi giấm trưởng thành đã được lập bản đồ toàn diện, với 50 triệu kết nối giữa khoảng 140.000 tế bào thần kinh riêng lẻ được đặt trên một loại bản đồ đặc biệt. Bản đồ này sẽ cung cấp manh mối có thể giúp các nhà khoa học thần kinh hiểu được “điều gì tạo nên bạn”.
![Bản đồ toàn diện về não ruồi giấm. Ảnh: NatGeo nhung-kham-pha-dinh-hinh-tuong-lai.png](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/da50d7eb564a918fc80651353f600374da485938b75188d62dd9dac1e1c837708943378c903bb906bafb6baae7cd8dc372f25732ff966ed1a14da4c4f07f8610/nhung-kham-pha-dinh-hinh-tuong-lai.png)
Giới hạn nóng lên toàn cầu sẽ bị phá vỡ
Năm 2024, lần đầu tiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vọt lên hơn 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.
Theo Thỏa thuận Paris, gần 200 quốc gia đã đồng ý ngăn nhiệt độ Trái đất tăng trên 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, nhưng lý tưởng nhất là giữ mức tăng dưới 1,5 độ C. Hành tinh càng nóng lên, chúng ta sẽ càng phải chịu nhiều tác động có hại của biến đổi khí hậu.
Cứ mỗi 0,1 độ C tăng lên trong nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những cơn bão mạnh hơn, nắng nóng kéo dài hơn, lũ lụt thảm khốc… 1,5 độ C là một mục tiêu đầy tham vọng. Tiếng chuông báo động đang reo lên to hơn bao giờ hết. Nếu nhiệt độ tăng này không được đảo ngược, hoặc ít nhất là dừng lại, thì tương lai của Hành tinh xanh sẽ ngày càng bị đe dọa bởi cơn thịnh nộ của biến đổi khí hậu.
Con người già đi theo từng đợt
Các nhà khoa học đã phát hiện ra cơ thể con người dường như trải qua 2 đợt lão hóa nhanh chóng. Sử dụng 108 tình nguyện viên, các nhà khoa học thấy cả nam và nữ giới dường như đều trải qua một sự thay đổi lớn ở độ tuổi giữa 40: Cách cơ thể chúng ta xử lý bệnh tim mạch và phân hủy những thứ như rượu, chất béo và caffeine, thay đổi. Sau đó, khi bước vào độ tuổi 60, cơ thể chúng ta trải qua những thay đổi về điều hòa miễn dịch và quá trình chuyển hóa carbohydrate.
Mở hòm kho báu vũ trụ
Nhà thiên văn học vĩ đại Carl Sagan từng nói: “Chúng ta được tạo nên từ vật chất của các vì sao”. Giờ đây, chúng ta sắp tìm ra chính xác nguồn gốc tất cả những vật chất của các vì sao này, nhờ vào sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA.
Năm 2020, tàu vũ trụ Origins, Spectral Interpretation, Resource Identification và Security-Regolith Explorer hạ cánh trong thời gian ngắn trên tiểu hành tinh Bennu, lấy một số vật chất nguyên sơ của nó, sau đó thả chúng xuống Trái đất vào tháng 9/2023.
Năm 2024, các nhà khoa học đã có cái nhìn đầu tiên về mẫu vật của OSIRIS-REx và họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra rằng Mặt trời được hình thành thông qua cái chết của nhiều ngôi sao, từ những ngôi sao có khối lượng thấp đến những ngôi sao đủ lớn để phát nổ thành siêu tân tinh mạnh mẽ.
Các phân tử lạ trong mẫu vật trên cho thấy nó đến từ một thế giới hoạt động địa chất đã bị phá hủy. Ngoài ra, còn có một loạt hợp chất tiền sinh học, gồm đủ loại axit amin, được tìm thấy bên trong tiểu hành tinh nguyên thủy đó. Tóm lại, mẫu vật này đã “viết lại” những gì chúng ta biết về nguồn gốc của Hệ Mặt trời và các nhà khoa học chỉ mới nghiên cứu được 1% trong số đó. Ai biết được nó còn chứa đựng điều gì nữa?
AI hé lộ bí mật của protein
Tháng 10/2024, giải Nobel Hóa học đã được trao cho một số nhà nghiên cứu về protein, những cỗ máy hỗ trợ phần lớn quá trình sinh hóa. Hiểu được cách thức hoạt động của protein góp phần giúp chúng ta biết được cách bệnh tật - từ sốt rét đến bệnh Parkinson - phát triển, sau đó tìm cách ngăn chặn chúng.
Đáng chú ý, 2 trong số 3 người nhận giải thưởng Nobel là Demis Hassabis và John Jumper, đều làm việc tại Google DeepMind. Những khám phá của họ đều nhờ mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là AlphaFold2.
Với hiệu quả bất ngờ, AI này có thể dự đoán cấu trúc của hầu hết 200 triệu protein mà các nhà khoa học đã tìm thấy một cách nhanh chóng và chính xác. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho các nhà khoa học khi có khả năng giải mã rất nhiều khía cạnh khó hiểu của sinh hóa học.