Hoạt động này chưa thực sự tạo động lực đột phá, mối liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và các trung tâm khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo còn yếu, chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.
Hạn chế về cơ chế, tài chính
Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh (Bộ GD&ĐT) mới đây công bố báo cáo về việc triển khai công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên. Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, cho biết, hiện có 110 cơ sở giáo dục đại học tạo ra không gian hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Hầu hết trường đại học sở hữu các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, khoảng 60% trường đại học đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh từng cơ sở.
Đề cao vai trò của nhà trường trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhiều cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên. Theo ThS Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng Viện Công nghệ Việt - Nhật (HUTECH), hệ sinh thái này bao gồm các cuộc thi khởi nghiệp, chương trình đào tạo, mạng lưới doanh nghiệp - người hướng dẫn, câu lạc bộ Khởi nghiệp và Doanh nhân, cùng hội cựu sinh viên, nhằm trang bị cho người học kỹ năng và kiến thức thực tiễn.
“Cả nước hiện có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 25% tổng số trường) đã thành lập trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Trong giai đoạn 2020 - 2023, có 33.808 dự án khởi nghiệp của sinh viên được thực hiện, trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Doanh thu từ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên cũng ghi nhận sự tăng trưởng qua các năm”, ông Việt thông tin.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân An Việt cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên. Một trong những vấn đề lớn là cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện. Dù các trường đã nỗ lực, nhưng thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và thủ tục đầu tư phức tạp vẫn là rào cản lớn.
Các cơ chế thẩm định và xét duyệt đầu tư chưa tối ưu, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên. Hơn nữa, việc quản lý tài sản trí tuệ và phân chia quyền sở hữu nghiên cứu khoa học chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt với các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Hiện chưa có cơ chế hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm giữa doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên, dẫn đến thiếu sự kết nối trong quá trình triển khai ý tưởng khởi nghiệp.
Báo cáo cũng chỉ ra các hạn chế về cơ sở hạ tầng, dù nhiều trường đã đầu tư vào phòng lab và xưởng thực hành, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt đối với các dự án yêu cầu công nghệ tiên tiến.
Thiếu nguồn lực đầu tư
Thiếu nguồn lực và nguồn vốn đang là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của các dự án khởi nghiệp trong sinh viên. Nghiên cứu từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành về mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo chỉ ra, ngân sách giáo dục hạn chế đang gây khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp.
Các quỹ khởi nghiệp trong trường thường có quy mô nhỏ và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên, giảng viên. Hệ quả là việc thiếu nguồn tài chính đã làm giảm khả năng thu hút và duy trì đội ngũ cố vấn, chuyên gia có kinh nghiệm thực tế, dẫn đến chất lượng tư vấn kém, hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp bị hạn chế.
TS Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cũng chỉ ra dù trường đạt được một số thành tựu ban đầu, nhưng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức do thiếu đầu tư. Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên chỉ dừng lại ở sản phẩm mẫu và chưa được kiểm chứng thực tế trên thị trường.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ chuyên trách có chuyên môn sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi chế độ đãi ngộ hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân các chuyên gia và nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Thực trạng này cũng được phản ánh trong báo cáo của Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, khi nêu rõ các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại trường đại học hiện nay còn yếu, thiếu định hướng rõ ràng, cơ chế hoạt động chưa đủ mạnh.
Kinh phí đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp không được cấp thường xuyên mà chỉ cấp theo các dự án cụ thể, điều này gây khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch dài hạn. Hơn nữa, các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa chú trọng đến dự án khởi nghiệp của sinh viên, thiếu quỹ cộng đồng, quỹ quyên góp để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các ý tưởng sáng tạo.
Kỹ năng khởi nghiệp yếu
Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố một khảo sát với sự tham gia của hơn 2.024 sinh viên các ngành đào tạo giáo viên, tập trung vào khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp (trong đó có hơn 41% sinh viên năm nhất, gần 27% sinh viên năm hai, còn lại sinh viên năm ba và năm tư).
Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 96% sinh viên đã nghe về khái niệm “khởi nghiệp”, trong khi khoảng 70% biết đến “giáo dục khởi nghiệp”. Đặc biệt, hơn 57% sinh viên bày tỏ nguyện vọng khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp, phản ánh tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn có 36,6% người được hỏi còn phân vân và hơn 5% chưa có ý định khởi nghiệp trong tương lai.
Mặc dù phần lớn sinh viên đã chủ động tìm hiểu thông tin về khởi nghiệp qua các hoạt động tại trường, nhưng hành trình khởi nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức. Những khó khăn chủ yếu bao gồm thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, hạn chế kết nối với doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ, cũng như rào cản trong tiếp cận nguồn lực để triển khai dự án. Những vấn đề này chỉ ra sự cần thiết phải cải thiện môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, giúp sinh viên tự tin biến ý tưởng thành hiện thực.
Ngoài ra, do thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu và tiếp thị sản phẩm, nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên không thể tiếp cận thị trường thực tế. Các sản phẩm chưa được đưa vào danh mục sản phẩm của doanh nghiệp hoặc cơ quan, dẫn đến khó khăn pháp lý trong việc đấu thầu và mua sắm, khiến sản phẩm không thể áp dụng rộng rãi.
Đội ngũ tư vấn khởi nghiệp cũng thiếu kinh nghiệm thực tiễn và phần lớn là kiêm nhiệm. Một số cán bộ phụ trách thiếu nhiệt huyết và tư duy đổi mới, không đủ thực tiễn để hỗ trợ sinh viên triển khai ý tưởng. Sinh viên gặp khó khăn trong quản lý, marketing và điều hành doanh nghiệp, trong khi các chương trình đào tạo khởi nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế. Tài liệu hướng dẫn còn thiếu, nhiều ý tưởng khởi nghiệp không có tính sáng tạo, chưa gắn với nhu cầu thực tế, khiến nhà đầu tư không mấy quan tâm.
Hệ sinh thái khởi nghiệp rời rạc
Những khó khăn nêu trên, theo các chuyên gia là hệ quả của việc hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và thiếu tính kết nối. Các thành phần trong “hệ sinh thái” khởi nghiệp dành cho sinh viên, bao gồm sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các quỹ đầu tư, chưa tìm được sự đồng thuận và phối hợp hiệu quả. Điều này dẫn đến những trở ngại trong việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Một ví dụ điển hình là việc thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Các quỹ đầu tư hiện nay chưa thực sự chú trọng đến nhóm dự án này, trong khi nhiều trường đại học không thiết lập được các quỹ cộng đồng hay quỹ quyên góp để hỗ trợ. Bên cạnh đó, chưa có một nền tảng giao dịch hoặc kênh kết nối hiệu quả nào để đưa các ý tưởng và dự án khởi nghiệp của sinh viên đến gần hơn doanh nghiệp. Đây chính là những nút thắt cần tháo gỡ để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên phát triển mạnh mẽ hơn.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, các trường đại học không thể hoạt động khởi nghiệp một mình mà cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo khác. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của liên kết giữa các trường đại học kỹ thuật với các trường đại học kinh tế và khoa học xã hội để tạo ra môi trường khởi nghiệp thành công.
Theo các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện ngay trong môi trường đại học mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án khởi nghiệp trong môi trường hỗ trợ tối ưu. Hệ sinh thái này bao gồm các thành phần quan trọng như trung tâm ươm tạo ý tưởng, quỹ hỗ trợ tài chính, không gian làm việc sáng tạo, cùng chương trình đào tạo thực hành chuyên sâu.
Sự tập trung các nguồn lực hỗ trợ trong cùng một không gian không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận dịch vụ cần thiết mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa học tập, nghiên cứu và thực tiễn khởi nghiệp. Môi trường này không chỉ giúp tối ưu hóa việc phát triển ý tưởng mà còn trang bị cho sinh viên những kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để hiện thực hóa các dự án, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ và hiệu quả ngay từ trong nhà trường.
Tại hội thảo “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách” diễn ra tại TPHCM (tháng 12/2024), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chỉ ra những hạn chế của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Theo đó, hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở đào tạo hiện nay còn ở giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung vào tuyên truyền và truyền cảm hứng. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thiếu đồng bộ, cơ chế triển khai chậm, cơ sở vật chất hạn chế và nguồn vốn hỗ trợ gần như không có, khiến kết quả đạt được chưa đáp ứng kỳ vọng và thiếu tính đột phá.