Quay cuồng vì thiếu oxy ở lưng chừng Himalaya

GD&TĐ - Những cảnh tượng khủng khiếp xảy ra tại Ấn Độ đang lặp lại ở quốc gia láng giềng Nepal, nơi tỷ lệ đói nghèo ở mức cao.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quốc gia này có chung đường biên giới với 5 bang tại Ấn Độ nên khó tránh khỏi làn sóng Covid-19 mới.

Cuộc khủng hoảng dần hiện hữu từ đầu tháng 4. Khi Ấn Độ bùng phát dịch bệnh, hàng nghìn người đã tràn sang Nepal, trong đó không ít người mang theo biến thể virus với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao.

Cùng với đó, trong nước, người dân tụ tập đông đúc để tham gia các lễ hội tôn giáo như lễ hội tắm sông Hằng Kumbh Mela. Hoặc hàng nghìn người Nepal đổ về thủ đô Kathmandu để tổ chức lễ hội tôn giáo Pahan Charhe. Đến ngày 29/4, khi số ca nhiễm theo ngày tăng gấp đôi, chính phủ đã quyết định phong tỏa 14 ngày tại thủ đô Kathumandu.

Trong tình cảnh hiện nay, Nepal được coi là một “Ấn Độ thu nhỏ”. Tỷ lệ người nhiễm Covd-19 tại Nepal là 47%, nằm trong nhóm cao trên thế giới và cao gấp đôi so với Ấn Độ.

Trong những tuần gần đây, các ca bệnh tăng 1.200%. Ngày 11/5, Nepal ghi nhận hơn 8.700 trường hợp dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 400.000.

Trái ngược với tình hình trên, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cấp quốc gia còn thấp. Đến cuối tháng 4, mới có khoảng 7,2% dân số quốc gia này được tiêm vắc-xin trong khi Ấn Độ là 10%.

Tại thủ đô Kathmandu, các giường bệnh đã kín chỗ. Bệnh viện hoạt động hết công suất, nhiều người chết vì không có đủ oxy hoặc máy thở. Trên khắp đất nước, tình trạng thiếu oxy diễn ra trầm trọng. Tại một số thành phố cỡ trung, không bệnh viện nào được trang bị oxy. Như vậy, tình hình tại các tỉnh, thành phố nhỏ hơn càng trầm trọng.

Thực tế, chứng kiến Ấn Độ bị nhấn chìm trong Covid-19 vì thiếu oxy, máy thở, các nhà sản xuất oxy đã cảnh báo chính phủ Nepal. Họ lo ngại nếu không được đầu tư trang thiết bị kịp thời, Nepal sẽ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai chẳng kém phần nguy hiểm như quốc gia láng giềng.

Do thờ ơ, Nepal đã đi vào vết xe đổ của Ấn Độ. Đầu tháng 5, Nepal mới đặt hàng 20.000 bình oxy từ nước ngoài, khi chứng kiến nhu cầu sử dụng tăng gấp 3. Chính phủ phải xây dựng thêm các cơ sở y tế gần biên giới với 5 bang Ấn Độ để đón nhận người lao động hồi hương.

Mỗi trung tâm có khoảng 2.000 giường bệnh nhưng vẫn thiếu oxy. Thời gian tới, dự kiến Nepal sẽ đón thêm 400.000 lao động nhập cư về nước, đòi hỏi cơ quan y tế phải vật lộn xét nghiệm, sàng lọc và kiểm dịch số lượng lớn.

Ngày 10/5, quốc gia này thống kê thiếu 20.000 - 25.000 bình oxy. Giường bệnh, máy thở cũng trở nên khan hiếm. Công suất hoạt động của các lò hoả táng bị đẩy đến mức giới hạn. Khoảng 100 thi thể phải hỏa thiêu mỗi ngày.

Cùng ngày, Trung Quốc cho biết sẽ dựng “dải phân cách” trên đỉnh Everest để hạn chế tiếp xúc giữa các nhà thám hiểm từ Nepal và Tây Tạng.

Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ lập hàng rào như thế nào trên địa hình nhỏ hẹp, nguy hiểm như vậy. Dù tính khả thi của kế hoạch này không cao, điều này cho thấy các quốc gia trong khu vực đang đề cao cảnh giác và cố gắng ngăn chặn nguồn lây từ Nepal.

Hệ thống y tế tại Nepal có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quốc gia này sẽ tổ chức nhiều lễ hội nên tình trạng tụ tập đông người là không tránh khỏi. Vài tuần tiếp theo sẽ là thời điểm quan trọng đối với Nepal.

Hệ thống y tế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan cần phải cố gắng hết sức để vượt qua mác “Ấn Độ thu nhỏ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.