Cần thêm cơ chế để trường đại học phát triển khoa học, công nghệ

GD&TĐ - Các chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, cần thêm nhiều cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Các chuyên gia dự tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7/2. Ảnh: K.L
Các chuyên gia dự tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7/2. Ảnh: K.L

Đó là nội dung đáng chú ý tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 7/2, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM).

Tọa đàm cũng nhằm triển hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật có bước tiến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu mới

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban Ban Thanh tra - Pháp chế Đại học Quốc gia TPHCM đã trình bày các điểm mới của dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các chính sách được khuyến khích đối với các có sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ (ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW).

thai-tuyet-dung.jpg
TS Thái Thị Tuyết Dung trình bày các điểm mới của dự thảo Luật.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia TPHCM đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật với mong muốn và kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và và Nghị quyết số 57-NQ/TW đều xác định ưu tiên đầu tư cho hai viện hàn lâm và các đại học trọng điểm trong đó có hai đại học quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật trên vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.

“Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là nền tảng pháp lý quan trọng nhất trong việc phát triển KHCN. Là một hệ thống giáo dục đại học hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia TPHCM từ kinh nghiệm làm KHCN của mình cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, góp ý trực tiếp cho dự thảo Luật để gỡ bỏ tất cả rào cản, trở thành động lực mới giúp khoa học thực sự phát triển", PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

vu-hai-quan-9551.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc tọa đàm.

Một số chuyên gia khác đã phân tích rằng, dự thảo Luật chưa cho thấy rõ cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp KHCN trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, "spin-off" hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường đại học.

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào: Ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo; Đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; Cải thiện chính sách nhân lực KHCN để thu hút nhân tài.

Dự thảo Luật cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.

hoi-thao-1.jpg
Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: K.L

GS.TS Phan Thị Tươi (Trường Đại học Bách khoa) đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay.

"Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là 'Khoa học mở' tại Điều 9. Chính sách của Nhà nước với khoa học mở. Mục 6 Điều 9 quy định 'Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật'. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này", theo GS.TS Phan Thị Tươi.

Cần trao cơ chế đặc thù cho hai đại học quốc gia

Ông Phạm Phú Ngọc Trai (Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, dự thảo Luật đã nhấn mạnh vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.

Chẳng hạn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

gs-nguyen-tien-dung.jpg
Chuyên gia góp ý tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: K.L

Ông Trai cũng đề xuất dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai đại học quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Hai đơn vị này là những trụ cột trong hệ sinh thái KHCN và đổi mới sáng tạo, do đó cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chuyên gia này cho rằng, cần trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức này chủ động trong tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, cần khuyến khích hợp tác giữa đại học quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Pháo binh Ukraine tại Donetsk.

Đòn giáng mạnh tại chiến sự

GD&TĐ - Lực lượng Nga cuối cùng đã kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Dzerzhinsk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng) vào ngày 7 tháng 2.