Xuất hiện tổ hợp và môn mới
Năm 2025 - năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có nhiều thay đổi về điều kiện và tiêu chí tuyển sinh đại học chính quy so với năm 2024.
TS Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh cho hay, các tiêu chí tuyển sinh được điều chỉnh phù hợp theo năng lực học sinh. Chẳng hạn, trường sẽ bổ sung một số môn liên quan đến khoa học và công nghệ trong tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ví dụ, với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của trường. Đơn cử như: Chương trình đào tạo cấp một bằng tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ áp dụng tổ hợp xét tuyển với các môn: Toán - Hóa học - Tin học; Toán - Sinh học - Tin học; Toán - Vật lý - Tin học; Toán - Tin học - Tiếng Anh; Toán - Sinh học - Tiếng Anh.
Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội giảm số lượng môn trong tổ hợp xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT kết hợp phỏng vấn, từ 5 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học xuống thành 3 môn phù hợp theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo. Ngân hàng câu hỏi trong phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức cũng được xây dựng bám sát Chương trình GDPT 2018.
Năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến bổ sung một số tổ hợp mới gồm A0C (Toán, Vật lý, Công nghệ); A0T (Toán - Vật lý - Tin học); B0C (Toán - Hóa học - Công nghệ); D0C (Toán - Tiếng Anh - Công nghệ); D0G (Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật). Trường cũng bỏ phương thức xét tuyển thuần bằng học bạ THPT, thay vào đó là kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
Với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) sử dụng 4 tổ hợp, gồm: A00 (Toán - Vật lý - Hóa học); A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh); D01 (Toán – Văn - Tiếng Anh); D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh).
Gắn với lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT
ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại thông tin, các tổ hợp xét tuyển của trường chủ yếu liên quan đến Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một phần liên quan đến Vật lý, Hóa học. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nghiên cứu, cân nhắc có nên sử dụng các tổ hợp xét tuyển phù hợp Chương trình GDPT 2018 và Quy chế tuyển sinh, chẳng hạn như một số môn: Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật…
Năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước. Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các em được lựa chọn 2 môn thi còn lại trong số các môn học ở lớp 12 để dự thi tốt nghiệp THPT. Với thay đổi này, ThS Nguyễn Quang Trung tư vấn, ngoài 2 môn bắt buộc, thí sinh nên lựa chọn môn thi tương ứng với tổ hợp xét tuyển mà các em dự định đăng ký.
“Ví dụ: Nếu xác định xét tuyển đại học bằng tổ hợp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; Toán, Vật lý, Tiếng Anh thì thí sinh nên chọn Tiếng Anh, Vật lý là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp. Muốn vậy, thí sinh cần nghiên cứu đề án tuyển sinh của các cơ sở đại học để biết được tổ hợp xét tuyển, từ đó lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp”, ThS Nguyễn Quang Trung khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh khuyên thí sinh nên theo dõi đề án tuyển sinh chính thức của các trường để có thông tin cụ thể. Nếu muốn xét tuyển vào đại học môn nào nên lựa chọn môn đó để thi tốt nghiệp THPT.
Năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, do đó theo thầy Trần Văn Ta - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện (Hải Dương) đề xuất, các trường đại học cần công bố sớm nhất tổ hợp xét tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo. Nếu chậm công bố thông tin này, thí sinh có thể gặp khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, kéo theo đó sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn tổ hợp xét tuyển để “ứng thí” vào trường đại học.
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2025 (dự thảo Quy chế). Theo đó, một trong những nội dung được thí sinh quan tâm nhất là tổ hợp môn xét tuyển đại học.
Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả đánh giá khác), Bộ GD&ĐT đề xuất: Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn. Các môn này cần phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Theo dự thảo Quy chế, một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm. Ví dụ, trường sử dụng tổ hợp A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), B00 (Toán - Hóa học - Sinh học) là phù hợp vì có các môn chung.
Quy định này tránh tình huống trường sử dụng tổ hợp lạ trong xét tuyển như thời gian vừa qua. Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.