Cách đây mấy hôm trên báo có đăng một mẩu chuyện rất dễ thương. Một cậu bé học sinh lớp 1 ở Mỹ bị gãy răng sữa ở trường, mà theo truyền thống, nên bỏ chiếc răng gãy dưới gối để bà tiên răng đến thăm, cho 1 USD cho lần nhổ răng tiếp theo. Cô giáo và các bạn đã giúp cậu bé tìm chiếc răng gãy mà không thấy đâu.
Biết chuyện, thầy hiệu trưởng đã viết một bức thư cho bà tiên răng, đảm bảo rằng chiếc răng bị gãy ở trường thật và xin bà vẫn cho cậu bé tiền nhổ răng. Đến tối, thầy gửi 1 USD cho cậu bé với chữ ký “Bà Tiên Răng”. Bức thư được một giáo viên đăng lên và nhận 2.300 lượt chia sẻ. Còn mẹ của cậu bé lớp 1 tiết lộ, 25 năm trước bà cũng là học sinh của thầy và thầy luôn ấm áp, hài hước, quan tâm như thế.
Một hành động nhỏ nhưng là một trái tim lớn, là ví dụ về tình yêu thương mà các thầy cô giáo ở trường có thể dành cho học sinh, để ngôi trường thực sự là nơi những đứa trẻ mong ngóng được đến mỗi ngày.
Chính những hành động quan tâm như thế sẽ nâng đỡ tâm hồn và sự trưởng thành của đứa trẻ, hơn bất kỳ bài giảng chung chung nào trong sách đạo đức.
Thầy hiệu trưởng như vậy sẽ là tấm gương cho mỗi giáo viên trong nhà trường, để họ nhìn theo đó mà chăm sóc, gần gũi học sinh của mình.
Thật ra chẳng phải ở đâu xa, ngay quanh mình chúng ta cũng có thể tìm được những câu chuyện tương tự. Ở trường cấp 1 của con tôi, một trường công tại quận Ba Đình, Hà Nội, những ngày mưa thường thấy cô hiệu phó mang ô ra tận cổng đón học sinh vào.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Việt Đức đến cuối 2018, nổi tiếng với việc nhảy hiphop với học sinh trong lễ khai giảng và ngày thường thì thầy vẫn ra cổng chào và nhắc nhở học sinh khi vào lớp và lúc tan học về, như một cách rèn nề nếp kỷ luật và gần gũi với học sinh.
Thầy Nguyễn Công Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam, mỗi lần đi công tác lại kết hợp với các nhóm từ thiện, xin hàng trăm đôi dép, hàng nghìn cuốn sách cho học sinh nghèo người dân tộc.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Tư thục Marie Curie ở Hà Nội, bao năm nay được học sinh yêu mến gọi là “ông nội” bởi sự nhân văn, thân thiết của thầy.
Như vậy có thể nói, dù là môi trường giáo dục công hay tư, dù học sinh ở lứa tuổi nhỏ hay tuổi teen đầy biến động, dù trong hay ngoài nước, cũng đều có thể có những người đứng đầu nhà trường nói riêng và các thầy cô nói chung, tạo nên dấu ấn cho các em học sinh, chỉ cần các thầy cô làm việc với học trò bằng nền tảng song hành tình yêu thương và tri thức.
Không bao giờ có thể chấp nhận những thầy hiệu trưởng lạm dụng học sinh, ăn chặn tiền sữa, bớt xén suất ăn, lơ là với an toàn của học sinh, không trau dồi chuyên môn, đạo đức, tình yêu thương...
Vasily Aleksandrovich Sukhomlinsky, nhà giáo dục Xô Viết, từng nói: “Trong nghề của chúng ta, tình yêu thương dành cho một đứa trẻ chính là máu thịt của nhà giáo, là một sức mạnh có thể ảnh hưởng đến thế giới nội tâm của người khác”. Triết lý nhân văn đó luôn đúng từ xưa tới nay, tiếc là có lúc chúng ta quên mất, ở trường hay trong đời sống hàng ngày.