Thay dạy “cái” bằng dạy “cách”
Kinh nghiệm nhiều năm là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Gia Lâm, Hà Nội, cho rằng, để giúp học sinh đáp ứng yêu cầu mới, giáo viên phải loại, bỏ cách dạy học đọc, chép. Bởi cách dạy này, học sinh hoàn toàn thụ động trong suốt quá trình, thầy cô thì truyền giảng áp đặt.
Giáo viên cần khuyến khích học sinh chủ động tham gia vào quá trình học bằng nhiều hình thức: sân khấu hoá, tạo sản phẩm theo chuyên đề bằng tập san, video về các tác phẩm ngoài sách giáo khoa nhưng cùng thể loại..
Cùng với việc quan tâm khuyến khích sự sáng tạo và cách cảm thụ khác lạ của học sinh, thầy cô nên coi trọng các hình thức và phương pháp hình thành kỹ năng cho các em qua thực hành, vận dụng, nâng cao… Đề kiểm tra không nên có câu hỏi học thuộc máy móc mà nên là hiểu, vận dụng.
Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh việc cần giáo viên thay dạy “cái” bằng dạy “cách”, điều này quyết định chất lượng dạy và học theo yêu cầu đổi mới. “Cái” là cụ thể, tính ứng dụng thấp, giáo viên dạy tác phẩm nào, học sinh chỉ biết tác phẩm đó. Còn dạy “cách” là từ cụ thể đến khái quát nên tính ứng dụng cao; khi dạy một tác phẩm cụ thể, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách tiếp nhận những tác phẩm tương tự.
Về vấn đề này, kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên là phát huy khả năng tự học và đọc hiểu của học sinh. Các em đọc thêm các tác phẩm ngoài chương trình để tiếp cận với nhiều thể loại văn bản khác nhau, mở rộng vốn kiến thức văn học và kỹ năng đọc hiểu.
Cùng với đó, giáo viên tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm của bản thân và lắng nghe ý kiến của người khác. Đồng thời, tăng cường các hình thức kiểm tra đánh giá để đánh giá toàn diện năng lực của học sinh, thấy được sự tiến bộ và sáng tạo của học sinh.
“Giáo viên cũng cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu mới, có thể qua các khóa tập huấn để cập nhật phương pháp dạy học mới, cách sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa hiệu quả, sáng tạo”, cô Nguyễn Thị Thu Hường bày tỏ.
Chú trọng phát triển văn hóa đọc
Qua 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Trường THCS Lâm Thao, Lương Tài, Bắc Ninh nhận định, cơ bản giáo viên và học sinh đã làm quen với phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá.
Trên lớp, giáo viên hướng dẫn học sinh khám phá các văn bản trong từng chủ đề và hướng dẫn học sinh tìm các văn bản khác cùng chủ đề, trục thể loại để rèn kỹ năng đọc hiểu.
Với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, theo thầy Nguyễn Phương Bắc, việc phát huy văn hoá đọc là vô cùng cần thiết. Giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh tìm đọc các tác phẩm ngoài chương trình có chọn lọc, có định hướng để mở mang hiểu biết và có kiến thức nền phục vụ việc viết bài nghị luận văn học.
Trong thực tế đây là một việc khó, bởi văn hoá đọc hiện nay trong học sinh, nhất là đọc văn bản in chưa phải là thói quen tự giác.
Nhờ công nghệ, giáo viên hỗ trợ học sinh đọc sách điện tử, cung cấp địa chỉ trang mạng đọc sách điện tử để học sinh học trên các thiết bị số. Nhà trường, gia đình và giáo viên cần rèn cho học sinh thói quen đọc sách.
Việc đọc sách thường xuyên không chỉ phục vụ việc học Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018 mà còn hình thành một nét văn hoá đẹp, hữu ích trong cộng đồng.
Với cô Xa Thị Quí, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình, tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 cần chú trọng về phương pháp và kỹ năng, tránh đặt nặng kiến thức. Đặc biệt, cần chú trọng hướng dẫn cho học sinh kĩ năng khai thác văn bản theo đặc trưng thể loại.
Việc dạy học cần bảo đảm cho học sinh cả phần đọc hiểu và viết, có quy trình tìm hiểu văn bản mới cho từng phần. Trong giờ dạy đọc văn bản, có thể tổ chức cho học sinh thảo luận, đưa ra ý kiến cá nhân giúp các em bộc lộ khả năng cảm thụ, phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh.