Chấm Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Ghi nhận sự sáng tạo của học sinh

GD&TĐ - Đề thi Ngữ văn ra theo hướng mở, việc chấm của giám khảo cũng cần bảo đảm độ “mở”, ghi nhận sự sáng tạo của học sinh trong bài làm.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024.

Bám sát đáp án nhưng không vận dụng máy móc

Làm nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay, cô Xa Thị Quí, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình nhận định: Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT ra đề thi Ngữ văn theo hướng mở; do đó, cách làm bài của học sinh và việc chấm bài thi cũng theo hướng mở.

Trong đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT cũng dành điểm số nhất định cho tính sáng tạo trong bài viết của học sinh.

Chẳng hạn, trong mỗi bài làm, giáo viên cần nhìn đúng trọng tâm của đề bài, nhưng không nên nắm bắt từng lời lẽ cụ thể, không yêu cầu học sinh phải tìm được những từ ngữ giống hệt như trong đáp án mới cho điểm.

Cần linh hoạt, đối với những bài học sinh dùng từ ngữ hoặc có cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm. Hoặc khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, giáo viên không áp đặt quan điểm cá nhân của mình hoặc chỉ căn cứ vào những quan điểm, ý kiến gợi ý trong đáp án. Học sinh có thể đưa ra những ý kiến, quan điểm riêng phù hợp với quy chuẩn đạo đức, pháp luật.

Việc ra đề mở, chấm thi cũng mở như vậy đã tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ quan điểm cá nhân và tính sáng tạo trong bài làm môn Ngữ Văn của mình.

Qua những năm được tham gia chấm thi môn Ngữ Văn, cô Xa Thị Quí chia sẻ đã rút ra được một số kinh nghiệm, đó là: Trước khi chấm bài cần nghiên cứu kỹ đề, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Khi chấm, bên cạnh bám sát vào đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng, ghi nhận và đánh giá cao những bài làm có tính sáng tạo, có diễn đạt mới mẻ, độc đáo, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ, vốn sống, sự trải nghiệm của cá nhân học sinh.

Người chấm cần hết sức linh hoạt

Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Gia Lâm, Hà Nội, Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận, cho thấy tính đặc thù của bộ môn. Từ khâu ra đề, làm đáp án đến khâu quan trọng chấm thi cũng đòi hỏi mang tính đặc thù

Đề thi phải mở để đáp ứng đổi mới giáo dục dạy và học: phát huy tính sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Từ đó đặt vấn đề chấm thi thế nào để vừa đảm bảo đúng tính mở của đề và ghi nhận sự sáng tạo của học sinh.

Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng cần chú trọng vào các khâu như sau:

Đáp án chấm phải bám sát kiến thức và kỹ năng học sinh đã được học, được rèn luyện, thực hành. Đặt ra nhiều phương án học sinh sẽ trả lời để định hướng cách cho điểm, cách chấm… phù hợp.

Giáo viên chấm phải thống nhất cao ở cách chấm và cho điểm bám sát hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT; đặc biệt phải hết sức linh hoạt từ thực tế bài làm của học sinh để chấm và cho điểm. Tránh máy móc, áp đặt câu chữ trong đáp án hoặc cách hiểu của mình cho bài làm của học sinh.

Thầy cô mạnh dạn chấp nhận cả cách hiểu khác lạ, cách hiểu ngược lại với đáp án chung... miễn là thấy hợp lý, không vi phạm chuẩn mực đạo đức.

“Một yếu tố vô cùng quan trọng là giáo viên chấm phải có tầm, có tâm, nắm vững yêu cầu của đổi mới giáo dục để đánh giá học sinh theo hướng đổi mới. Mọi lý thuyết đều không phải là sự bất di bất dịch mà thực tế bài làm của học sinh mới quyết định kết quả”, cô Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Cùng quan điểm, theo cô Trần Thị Lê Thanh Thủy, Trường THPT Mỹ Văn, Phú Thọ, chấm đề văn có đáp mở đòi hỏi giáo khảo cần linh hoạt và khách quan để đánh giá chính xác khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh.

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí rõ ràng trong hướng dẫn chấm, giám khảo cần tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, bởi cùng một vấn đề nhưng mỗi em sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Giám khảo cần chấp nhận những cách tiếp cận sáng tạo miễn là điều đó không đi ngược với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Ngoài việc đánh giá về khả năng sử dụng ngôn ngữ và văn phong của học sinh, thầy cô cũng cần chú ý đến khả năng lập luận logic và cách sử dụng dẫn chứng trong bài làm của các em; bởi một bài văn tốt phải có lập luận chặt chẽ và dẫn chứng phù hợp, thể hiện được ý kiến riêng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ