Yêu cầu mới với giáo viên Ngữ văn

GD&TĐ - Việc ra đề kiểm tra Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa đặt ra yêu cầu mới với người dạy trong công tác ra đề, tổ chức dạy học.

Yêu cầu mới với giáo viên Ngữ văn

Ra đề theo yêu cầu mới khó, áp lực hơn

Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên đánh giá cao việc ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh với môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Việc này giúp học sinh phát triển toàn diện kỹ năng Ngữ văn, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập. Tuy nhiên, với đổi mới này, giáo viên cũng phải rất sáng tạo và linh hoạt trong việc ra đề, đánh giá.

Thực tế triển khai, cô Nguyễn Thị Thu Hường cho biết: Để có được đề kiểm tra không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, người ra đề phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm, chọn lọc được ngữ liệu phù hợp.

Giáo viên cần có vốn kiến thức sâu rộng và khả năng đánh giá chính xác mức độ dễ hay khó của ngữ liệu. Ngữ liệu được chọn phải bảo đảm tính chuẩn xác và phù hợp, tính đa dạng và phong phú; phù hợp với mục tiêu học tập của học sinh, không trùng lặp trong sách giáo khoa và quan trọng là bao quát được các chủ đề học tập.

“Ra đề theo yêu cầu mới khó và áp lực hơn. Bên cạnh đó còn có khó khăn trong đánh giá và phản hồi từ kết quả của học sinh. Vì không có hướng dẫn cụ thể nên giáo viên phải tự xây dựng đáp án chi tiết”, cô Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ.

Yếu tố quan trọng nhất để ra được đề thi chất lượng mà không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, theo cô Nguyễn Thị Thu Hường là người ra đề nắm vững kiến thức nền tảng của chương trình, hiểu rõ yêu cầu đánh giá, tức là am hiểu sâu sắc về mục tiêu giáo dục và cấu trúc chương trình học.

Đồng thời, người ra đề chắc chắn cần kỹ năng và kinh nghiệm trong việc biên soạn đề thi; tham khảo các nguồn tài liệu như sách tham khảo, tài liệu khoa học, bài báo, hoặc các tài liệu trực tuyến có uy tín, chất lượng để làm phong phú nội dung đề thi.

Ảnh 1(4).jpg

Thay đổi cách dạy

Cô Lê Hải Châu, Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội cho biết: Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung, năng lực đặc thù cho học sinh. Từ đó, giúp học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế.

Ngữ văn là môn học bắt buộc ở nhà trường phổ thông. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đáp ứng thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 Ngữ văn nói riêng, các môn học khác nói chung sẽ quyết định hiệu quả của mục tiêu giáo dục và công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Để đáp ứng tốt nhất sự thay đổi trong kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn, đặc biệt từ năm 2025 khi đề thi Ngữ văn phần nghị luận văn học không ra tác phẩm trong sách giáo khoa, cô Lê Hải Châu nhấn mạnh giáo viên cần thay đổi về cách dạy: Dạy học sinh kỹ năng làm bài, chống học thuộc lòng và chép văn mẫu.

Cụ thể với phần Đọc hiểu, giáo viên dạy học sinh kỹ năng trả lời các câu hỏi thuộc các cấp độ từ nhận biết đến vận dụng.

Ví dụ, khi dạy học sinh cách xác định đề tài, chủ đề của một tác phẩm/đoạn trích, giáo viên lưu ý học sinh về việc văn bản viết về hiện tượng, phạm vi đời sống nào? Với chủ đề, học sinh cần lưu ý tác giả phát hiện, đặt ra vấn đề gì từ hiện tượng đời sống được thể hiện trong văn bản?

Hoặc, khi dạy thể loại truyện, giáo viên dạy học sinh cách xác định người kể chuyện bằng cách: Đọc kỹ lời kể trong văn bản truyện. Trả lời các câu hỏi: Ai là người đang kể lại câu chuyện này? Người kể chuyện có xưng “tôi” hoặc hình thức tự xưng tương đương khác không? Người kể chuyện có phải là người tham gia vào câu chuyện không? Tác dụng của việc chọn người kể chuyện theo ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện là gì? Từ đó học sinh dựa vào ưu điểm của các ngôi kể nêu trên để tìm kiếm câu trả lời.

Với phần viết, giáo viên hệ thống hóa các dạng đề và cung cấp cho học sinh kỹ năng làm từng dạng đề (cách viết bài và cách viết đoạn) thay vì học thuộc nội dung như trước kia. Lưu ý một số dạng bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học thường gặp như sau:

Nghị luận xã hội: Nghị luận về một vấn đề độc lập và Nghị về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu.

Nghị luận văn học: Phân tích làm rõ một đặc điểm thể loại của tác phẩm văn học; phân tích nhân vật văn học…

Ví dụ: Đề bài nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích một đặc điểm thể loại của tác phẩm văn học, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh tìm ý như sau:

Giới thiệu sơ lược về tác giả (cuộc đời, sự nghiệp-nếu có thông tin), tác phẩm/đoạn trích (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ-nếu có thông tin). Nêu khái quát/cảm nhận chung về đặc điểm của tác phẩm/đoạn trích ở hai khía cạnh hình thức (thể loại và những yếu tố đặc trưng của thể loại) và nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng của tác giả).

Phân tích làm rõ một đặc điểm thể loại của tác phẩm/đoạn trích: Xác định đặc điểm cần phân tích là hình thức hay nội dung của tác phẩm/đoạn trích; từ đó chỉ ra những biểu hiện cụ thể của đặc điểm ấy ở trong tác phẩm/đoạn trích. Học sinh có thể so sánh, liên hệ, đối chiếu với những tác phẩm/đoạn trích khác để thấy được sự tương đồng và khác biệt, từ đó đánh giá/nhận xét về tác phẩm/đoạn trích được hợp lý hơn.

Đánh giá đặc điểm thể loại của tác phẩm/đoạn trích: Cần chỉ ra xem đặc điểm đó tạo nên nét đặc sắc nào về nội dung hoặc hình thức của tác phẩm và giúp tác giả thể hiện tình cảm, tư tưởng nào của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.