Thay đổi cách dạy, cách học đáp ứng thay đổi trong đề thi vào lớp 10

GD&TĐ - Giáo viên, học sinh cần thay đổi cách dạy-học để đáp ứng những thay đổi trong đề thi vào lớp 10 năm 2025 theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Cô trò Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội).
Cô trò Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội).

Kinh nghiệm trong triển khai đề minh họa, triển khai dạy học và lưu ý với học sinh được các thầy cô Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Giáo viên thay đổi cách dạy

Theo cô Trần Thị Thu Hương, Tổ trưởng môn Toán, sau khi Sở GD&ĐT công bố đề minh họa thi vào lớp 10 năm 2025, nhà trường đã phân công giáo viên trong nhóm làm ngân hàng đề bám sát cấu trúc đề minh họa. Hằng tháng, giáo viên sẽ cho học sinh làm đề theo cấu trúc trên và chấm chữa chi tiết.

Khi dạy học, giáo viên chú trọng các bài toán thực tế vì điểm số phần này trong đề minh họa theo chương trình mới đã tăng. Bám sát đề thi minh họa, thầy cô cũng sẽ quan tâm rèn kỹ năng cho học sinh ở các năng lực tư duy và lập luận toán học, giải quyết vấn đề toán học, mô hình hóa toán học.

Triển khai đề minh họa, cô Tạ Thị Thanh Hà, nhóm trưởng chuyên môn môn Khoa học tự nhiên cho biết: Giáo viên chuyên trách của ba mạch kiến thức Vật lí, Hóa học, Sinh học sẽ kết hợp để ôn tập cho học sinh các mạch kiến thức trong cả một năm học.

Thầy cô sẽ tăng cường rèn học sinh năng lực tư duy và học tập từ nhận thức về khoa học tự nhiên chung; đến các năng lực về năng lượng và sự biến đổi năng lượng, chất và sự biến đổi chất, vật sống. Các em cũng được lưu ý bám sát dạng bài, dạng đề ôn tập theo đề minh họa, tăng cường rèn luyện các kỹ năng đọc, phân tích, tính toán.

Để giúp học sinh làm quen với đề minh họa Lịch sử - Địa lí thi vào 10 của Hà Nội, cô Phan Thị Lý, nhóm trưởng chuyên môn Lịch sử - Địa lí cho rằng, giáo viên trước hết cần phân tích đề minh họa để hiểu rõ cấu trúc đề thi (số lượng câu hỏi, thời gian làm bài, tỷ lệ giữa câu hỏi giữa các phần). Chấm điểm và đánh giá thường xuyên sau mỗi lần luyện đề, nhận xét chi tiết để học sinh rút kinh nghiệm.

Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch ôn tập, nâng cao kiến thức. Cụ thể, phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần nội dung trong môn Lịch sử và Địa lí; hướng dẫn học sinh học theo sơ đồ tư duy để có thể hệ thống hóa kiến thức một cách logic và dễ nhớ hơn; phân theo nhóm để học sinh cùng nhau trao đổi và giải quyết các vấn đề khó.

Giúp học sinh vững kỹ năng làm bài, thầy cô nên hướng dẫn các em đọc kỹ đề để hiểu đúng yêu cầu, tránh nhầm lẫn thông tin đề đưa ra; luyện tập cách phân chia thời gian hợp lý cho từng phần của bài thi, tránh tập trung quá nhiều vào một câu hỏi.

Học sinh thay đổi cách học

Đề thi mới cũng yêu cầu học sinh phải thay đổi cách học. Theo cô Phan Thị Lý, học sinh duy trì học thường xuyên, không học tủ; học bằng sơ đồ tư duy. Các em cũng chú ý rèn luyện kỹ năng đọc hiểu nhanh, nắm bắt thông tin quan trọng trong câu hỏi, đặc biệt là trong phân môn Địa lí vì có nhiều câu hỏi dựa trên bản đồ, số liệu.

Trong quá trình ôn tập, học sinh cần chú ý hiểu rõ cấu trúc đề thi và nội dung thi; luyện đề thường xuyên. Các em nên tạo nhóm học tập để thường xuyên kiểm tra nội dung học và hãy chú ý sức khỏe, chuẩn bị tâm lý thi cử tốt.

Với môn Toán, cô Trần Thị Thu Hương nhắn nhủ học trò học đến đâu kỹ đến đó, đặc biệt các bài toán. Cần ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên; chú ý các mạch kiến thức về số và đại số, hình học và đo lường, thống kê và xác suất (đặc biệt mạch kiến thức chiếm nhiều điểm nhất là số và đại số).

Với môn Tiếng Anh, cô Mẫn Thị Dung, tổ trưởng chuyên môn cho biết, theo đề minh hoạ, nội dung đọc hiểu chiếm 30% đề thi là dạng đề mới, bao gồm trắc nghiệm sắp xếp, câu hỏi liên quan đến biển báo (ngoài ngữ pháp, từ vựng thì đề minh họa yêu cầu học sinh phải có sự thông hiểu).

- Học sinh cần phải được làm quen, luyện tập nhiều hơn với những dạng bài trên và cần được giáo viên bổ trợ tăng cường.

- Phần đọc hiểu nhiều chủ đề khác nhau/tỷ trọng tăng. Học sinh không những phải hiểu rõ ngữ cảnh, ý nghĩa câu văn mà còn phải có vốn từ vựng phong phú và nắm chắc cấu trúc ngữ pháp. Học sinh cần học kỹ các chủ đề, không học tủ hoặc học một số chủ đề nhất định.

- Ngữ pháp được vận dụng nâng cao hơn (có thêm phần điền từ vào văn bản thông báo, sắp xếp đoạn văn theo thứ tự logic) học sinh cần làm quen với dạng đề này nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ