Theo đó, đề gồm 3 kiểu câu hỏi. Trong đó, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã quen thuộc với học sinh. Kiểu câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn dựa vào một đoạn thông tin cho sẵn, yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu và phân tích tốt, đồng thời kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn đáp án đúng. Kiểu câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, học sinh căn cứ vào đoạn tư liệu cho sẵn, kết hợp với kiến thức đã học để lựa chọn phương án đúng hoặc sai cho lệnh hỏi đi kèm.
Việc đưa những kiểu câu hỏi mới, đồng thời cập nhật những kiến thức mang tính thời sự vào đề thi thể hiện điểm mới trong cách ra đề nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học theo Chương trình GDPT 2018.
Nội dung kiến thức trong đề thi gồm bốn phần ứng với các chủ đề: Giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật.
Giáo dục đạo đức: Đây là phần chiếm số lượng câu hỏi lớn nhất trong đề thi với 15 câu, trong đó có 1 câu hỏi thuộc phần II (gồm 4 lệnh hỏi). Với số lượng câu hỏi lớn nên ở phần này, đề thi đánh giá tất cả các thành phần năng lực bao gồm: Điều chỉnh hành vi; Tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; Phát triển bản thân và đầy đủ các cấp độ tư duy từ nhận biết đến thông hiểu. Các câu hỏi thuộc phần này thuộc các nội dung: Sống có lí tưởng; Khoan dung; Khách quan và công bằng…
Giáo dục kỹ năng sống có 4 câu hỏi trắc nghiệm. Những nội dung chính bao gồm: quản lý thời gian hiệu quả; thích ứng với thay đổi… Các câu hỏi thuộc nội dung này đều là những câu nhận biết, thông hiểu.
Giáo dục kinh tế có một nội dung là tiêu dùng thông minh, 3 câu hỏi thuộc phần này đều là câu nhận biết, thông hiểu.
Giáo dục pháp luật có 12 câu trong đó có cả 3 kiểu câu hỏi. Những nội dung thuộc chủ đề này là: vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí; quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế. Các câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc chủ đề này kiểm tra kiến thức về nội dung các quyền; biểu hiện khi vi phạm các quyền; trường hợp được hưởng quyền của công dân; trách nhiệm pháp lí của công dân… Các câu hỏi vận dụng thuộc chủ đề này là những câu hỏi tình huống, trong đó nêu một tình huống thực tế, học sinh áp dụng kiến thức đã học để phân tích, xử lí tính huống.
Đề thi có khoảng 80% câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu. Với nhóm câu hỏi này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, ghi nhớ các “từ khóa” hoặc các đặc trưng của từng nội dung là có thể làm tốt.
20% câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng là những câu hỏi tình huống. Nhóm câu hỏi này, ngoài việc có kiến thức cơ bản, học sinh cần có “chiến lược” trong đọc và phân tích thông tin, loại trừ các ý hoặc các nhân vật trong tình huống để tìm ra đáp án chính xác.
Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.