Một số điểm mới đáng chú ý
Các thầy cô tổ Tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định, đề minh họa môn Tiếng Anh thi vào lớp 10 Sở GD&ĐT vừa công bố gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và trắc nghiệm dạng ghép nối trong thời gian làm bài 60 phút. Trong đó có 18 câu hỏi đơn và 5 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh/tình huống đi kèm các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt trong văn bản viết, đọc hiểu văn bản.
Các câu hỏi trong đề thi được xây dựng với3 cấp độ tư duy: nhận biết (20%), thông hiểu (40%), vận dụng (40%), nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh.
Đề thi kiểm tra các năng lực về ngữ âm; từ vựng; ngữ pháp; giao tiếp; viết; đọc hiểu. Các từ vựng, cấu trúc; ngữ pháp; giao tiếp phổ biến trong chương trình học và sách giáo khoa.
Đề có 11 dạng bài bao gồm: phát âm; trọng âm; hoàn thành câu ngắn; điền vào bảng thông báo; sắp xếp thành đoạn văn hoàn chỉnh; điền cụm từ sao cho đúng cấu trúc câu vào đoạn văn; tìm câu đồng nghĩa; sắp xếp thành câu hoàn chỉnh; nhận diện biển báo; đọc hiểu trả lời câu hỏi; ghép nối nội dung thành đoạn văn hoàn chỉnh.
Đề minh hoạ vào 10 có những điểm đặc biệt so với đề thi các năm trước như sau:
Đề thi vẫn kiểm tra các năng lực như ngữ âm; từ vựng; ngữ pháp; giao tiếp; viết và đọc hiểu nhưng không quá nặng nề về lý thuyết; mang tính thực tiễn cao và dưới hình thức của các dạng bài mới, tăng tính tư duy của thí sinh; yêu cầu thí sinh học sâu hiểu kĩ và vận dụng tốt kiến thức ngôn ngữ vào trong các ngữ cảnh quen thuộc, đời sống hàng ngày.
Đề thi bổ sung thêm kiểu câu hỏi ghép nối hoàn thành đoạn văn; nhận diện biển báo/thông báo; điền từ vào bảng thông báo; sắp xếp thành đoạn văn hoàn chỉnh.
Vì bổ sung thêm các dạng bài mới nên số lượng các câu hỏi trong một số phần/ dạng có sự thay đổi.
Đề bỏ một số dạng bài quen thuộc của các năm trước như tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa; tìm lỗi sai.
Chi tiết từng dạng bài trong đề thi
Nhận xét chi tiết về từng dạng bài, đề minh họa có 4 câu hỏi về phát âm – trọng âm vẫn giữ nguyên: kiểm tra kiến thức về nguyên âm – phụ âm; trọng âm với từ có 2 hoặc 3 âm tiết. Các từ đều rất quen thuộc trong chương trình học, học sinh nắm chắc các quy tắc và phát âm đúng có thể đạt điểm tuyệt đối phần này.
8 câu hỏi trong dạng bài hoàn thành câu chủ yếu kiểm tra ngữ pháp – từ vựng – cấu trúc – chức năng giao tiếp nằm trong chương trình Tiếng Anh THCS, kiến thức được hỏi rất cơ bản; dạng bài này thường không gây khó khăn cho học sinh.
Dạng bài điền từ vào bảng thông báo bao gồm 4 câu hỏi; yêu cầu học sinh điền từ là các câu hỏi ngữ pháp nền tảng như giới từ; mạo từ; loại từ và từ vựng ở mức cơ bản vào bảng thông báo. Các câu hỏi chủ yếu ở mức nhận biết – thông hiểu.
Dạng bài sắp xếp thành đoạn văn hoàn chỉnh là những tình huống rất đời, là những tình huống có thật trong đời sống như câu chuyện/ trải nghiệm cá nhân của một người nào,… Trong đó có một câu hỏi khá hay như câu số 18; mặc dù câu hỏi trước đã yêu cầu học sinh sắp xếp thành đoạn văn có lô gic nhưng đề thi vẫn thêm một câu hỏi nữa tách riêng (câu số 18) để tăng tính tư duy hơn của học sinh.
Dạng bài chọn câu đồng nghĩa – sắp xếp thành câu hoàn chỉnh kiểm tra năng lực viết của học sinh; yêu cầu học sinh vận dụng tốt các cấu trúc ngữ pháp để viết thành một câu đúng về ngữ pháp và ngữ nghĩa. Hai dạng bài này thường sẽ không khó mà chỉ mất nhiều thời gian đọc và sự chỉn chu cẩn thận của học sinh vì 4 phương án là các câu dài; nếu không đọc kĩ rất dễ chọn sai.
Vẫn là các câu hỏi ngữ pháp được lồng trong dạng bài chọn từ đúng điền vào đoạn văn, tuy nhiên đề minh hoạ không nằm giới hạn chỉ chọn một từ như mọi năm mà đã đan xen các câu hỏi có phương án chứa 2-3 từ để diễn đạt các cấu trúc ngữ pháp; đây cũng là một điểm hay của đề thi.
Dạng bài nhận diện biển báo/thông báo giúp đề thi trở nên thiết thực hơn vì đây đều là các biến báo/thông báo có thật trong đời sống; học sinh nhận diện và tìm ý nghĩa đúng cho biến báo/thông báo đó.
Dạng bài đọc hiểu trả lời câu hỏi là chủ đề gần gũi, phổ biến; tuy nhiên cách hỏi có sự thay đổi, thay vì các câu hỏi thông tin chi tiết “hơi cũ” thì câu hỏi mang tính đánh giá khả năng khái quát thông tin của học sinh như câu số 33, 35. Các câu hỏi không quá khó nhưng yêu cầu học sinh phải đọc hiểu kĩ đoạn văn thì mới có thể chọn đúng đáp án . Có một số dạng câu hỏi mới xuất hiện trong bài đọc như tìm từ trái nghĩa.
Một dạng bài khá thú vị là dạng bài ghép nối nội dung thành đoạn văn hoàn chỉnh. Đoạn văn bị khuyết 4 chỗ trống và yêu cầu học sinh chọn các phương án đã cho sẵn để đúng với lô-gic của đoạn văn. Học sinh cần hiểu lô-gic ý của các câu văn và ghép các nội dung sao cho đúng cấu trúc ngữ pháp và phù hợp với ngữ cảnh của đoạn văn. Câu hỏi không mang tính đánh đố nhưng yêu cầu khả năng lô-gic ý tốt, từ vựng phong phú và nắm chắc các cấu trúc ngữ pháp.
Nhìn chung, đây là một đề thi mang tính thực tiễn cao, không nặng nề lý thuyết; tập trung mạnh vào khả năng tư duy ngôn ngữ của học sinh; tránh việc học vẹt, học tủ. Học sinh cần nghiêm túc đầu tư ôn luyện để có thể đạt được kết quả cao bài thi môn Tiếng Anh.