Thầy cô đã sẵn sàng lên lớp dạy môn Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Năm học 2021-2022, lần đầu tiên ở bậc THCS có môn học Khoa học tự nhiên, điều này có khiến giáo viên lo lắng?

Giáo viên và học sinh cần thay đổi phương pháp dạy - học để thích ứng với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới
Giáo viên và học sinh cần thay đổi phương pháp dạy - học để thích ứng với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng – giáo viên môn Vật lý, Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại về những nội dung xung quanh vấn đề này.

Chuẩn bị tâm thế

Ban đầu, khi nói đến môn học Khoa học tự nhiên - lần đầu tiên có ở bậc THCS, cô Hồng và các đồng nghiệp cũng có một chút lo lắng; không biết chương trình, sách giáo khoa và phân công giảng dạy sẽ như thế nào? Trong khi từ trước đến nay, giáo viên chỉ được đào tạo chuyên sâu một bộ môn.

“Như tôi là giáo viên dạy môn Vật lý – nay theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì bộ môn này có sự tích hợp của 3 bộ môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Tuy nhiên, lo lắng này cũng qua đi khi tôi được tiếp cận với chương trình, bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” – cô Hồng chia sẻ, đồng thời cho biết:

Chương trình vẫn được chia thành các Chủ đề khoa học thiên về từng bộ môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học trên quan điểm dạy học tích hợp; vì vậy nếu giáo viên đã có chuẩn bị về dạy tích hợp và tìm ra các kiến thức liên quan giữa các bộ môn để có sự kết hợp với đồng nghiệp giảng dạy ở các bộ môn còn lại, thì công việc sẽ không quá khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức
Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức

Cho rằng, có nhiều việc giáo viên phải làm trong giai đoạn này để chuẩn bị thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, cô Hồng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy. Giáo viên lúc này sẽ là người đồng hành, dân dắt và định hướng cho học sinh chiếm lĩnh kiến thức.

“Tuy nhiên, để triển khai tốt nhất chương trình, sách giáo khoa mới, tôi mong muốn được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn sát với thực tế về đổi mới, sáng tạo trong dạy – học.

Ngoài ra, được trang bị đồ dùng dạy học phù hợp với Chương trình và tăng cường các tài liệu tham khảo để giáo viên thuận lợi trong việc tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ” – cô Hồng đề xuất.

Từ kinh nghiệm của bản thân, nữ giáo viên Vật lý này cho rằng, để lựa chọn sách giáo khoa có hiệu quả; các nhà trường nên tổ chức dạy thực nghiệm những nội dung trong sách giáo khoa mới ở tất cả các bộ sách. Bởi trải nghiệm bằng thực tế sẽ cho sự lựa chọn sát thực nhất.

Trong thời gian vừa qua, Trường THCS Nam Từ Liêm đã phân công các tổ chuyên môn tổ chức dạy thử một số bài ở một số môn trong sách giáo khoa mới, trên cơ sở đó đưa ra sự lựa chọn. Tuy nhiên, do thời gian không cho phép nên nhà trường chưa tổ chức dạy thực nghiệm được ở tất cả các môn học.

Thay đổi để thích ứng

Từ thực tế này, cô Hồng mong muốn Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT nên tổ chức dạy thử tất cả các môn, để có sự so sánh, đối chiếu trước khi chính thức chọn sách giáo khoa.

Nhấn mạnh, điểm mới quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là tài liệu tham khảo quan trọng, cô Hồng cho hay: Trong những năm gần đây, giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy – học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Theo đó, giáo viên bắt buộc phải sử dụng nhiều tư liệu khi dạy học, và SGK cũng được xem như một tài liệu quan trọng.

Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm. Ảnh: NVCC
Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm. Ảnh: NVCC

“Năm học 2020-2021 sắp kết thúc, bước sang năm học mới, chúng tôi sẽ phải thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học, bản thân tôi đã chuẩn bị tâm thế và chủ động đổi mới phương pháp dạy – học. Chẳng hạn như: Tham dự nghiêm túc các buổi tập huấn chương trình mới do Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhà trường tổ chức” – cô Hồng chia sẻ, và đã chủ động thay đổi phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức.

Theo cô Hồng, giáo viên cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện dạy học… để tự nâng cao trình độ chuyên môn. Mặt khác, chủ động hợp tác làm việc với đồng nghiệp hơn và phát triển kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, giáo viên cần chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý để thích ứng với thay đổi cơ bản vai trò của giáo viên trong giảng dạy.

“Việc Bộ GD&ĐT mở thêm kênh đóng góp ý kiến bản mẫu sách giáo khoa là việc làm cần thiết, huy động được trí tuệ cũng như mong muốn, nguyện vọng của xã hội để có được bộ sách phù hợp nhất. Cho đến thời điểm này, Trường THCS Nam Từ Liêm đã tổ chức cho 100% giáo viên góp ý về các bộ sách mới. Chúng tôi đã được nhà trường chuyển trước tài liệu SGK tất cả các môn để giáo viên nghiên cứu, thảo luận về nội dung, bố cục, hình thức, … Việc làm này, sẽ giúp tìm ra những ưu, nhược điểm để điều chỉnh kịp thời trước khi xuất bản sách”– cô Nguyễn Thị Thúy Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ