Phê duyệt 32 SGK lớp 2 và 40 SGK lớp 6 theo chương trình mới

GD&TĐ - Ngày 9/2, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký Quyết định 709/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt Danh mục SGK lớp 2 và Quyết định số 718/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt Danh mục SGK lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa. Xem TẠI ĐÂY

Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt. Xem TẠI ĐÂY

Các sách giáo khoa có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM. Đây đều là những đơn vị có kinh nghiệm trong biên soạn sách và có sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quá trình thẩm định và lấy ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa

Trước đó, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 do 5 nhà xuất bản (ngoài 4 đơn vị xuất bản kể trên, có thêm Nhà Xuất bản Đại học Vinh) gửi hồ sơ đề nghị thẩm định.

Đối với SGK lớp 2: Bộ GD&ĐT nhận được 35 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 trong đó có 4 bản mẫu môn Tiếng Việt; 5 bản mẫu môn Toán và mỗi môn Đạo Đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 bản mẫu; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản mẫu. Kết quả thẩm định, có 32 bản mẫu SGK lớp 2 được Hội đồng quốc gia thông qua và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Đối với SGK lớp 6: Bộ GD&ĐT nhận được 44 bản mẫu sách giáo, trong đó mỗi môn Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có 3 bản mẫu; môn Tiếng Anh có 8 bản mẫu SGK, môn Tin học có 6 bản mẫu SGK. Kết quả thẩm định, có 40 bản mẫu SGK lớp 6 được Hội đồng quốc gia thông qua và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Công tác thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Thông tư 33/2017/TT-BGD&ĐT và Thông tư 23/2020/TT-BGD&ĐT. Theo đó, Bộ GD&ĐT thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa với thành viên gồm đủ các thành phần: nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục và giáo viên có kinh nghiệm, uy tín, trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Thành viên Hội đồng quốc gia có 15 ngày nghiên cứu độc lập bản mẫu sách giáo khoa trước khi làm việc tập trung để thảo luận, nghe tác giả báo cáo, thuyết minh về bản mẫu và công bố kết quả đánh giá của Hội đồng cho tác giả, nhà xuất bản để tiếp thu, chỉnh sửa.

Quá trình làm việc của các Hội đồng được đơn vị tổ chức thẩm định của Bộ GD&ĐT giám sát chặt chẽ; lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc của Hội đồng để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Thực hiện quy định tại Thông tư 33 và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Hội đồng thẩm định đã đề nghị Bộ tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý bản mẫu sách giáo khoa của đại diện giáo viên có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục trên cả nước; chuyên gia, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Các ý kiến góp ý được Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát và cung cấp để Hội đồng thẩm định nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời thảo luận với tác giả, nhà xuất bản về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa. Nhà xuất bản hoàn thiện lại bản mẫu sau tiếp thu ý kiến để Hội đồng đánh giá và thông qua kết quả cuối cùng bằng văn bản, làm cơ sở giúp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét ban hành danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Quá trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được Bộ GD&ĐT đánh giá đảm bảo đúng quy trình, tiến độ và chất lượng. Các Hội đồng làm việc nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm; thực hiện đúng quy định, khách quan, trung thực và minh bạch; đóng góp không nhỏ cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa. Với tinh thần tiếp thu cầu thị của các nhà xuất bản và sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, sự đánh giá, góp ý kỹ lưỡng của Hội đồng, các bản mẫu SGK được phê duyệt đã bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định.

Các sách giáo khoa kể trên đều bám sát nội dung và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm cụ thể hóa Chương trình. Nội dung, cấu trúc của sách giáo khoa và của từng bài học đáp ứng yêu cầu về quy định tại Thông tư 33.

Nhiều sách giáo khoa có quan điểm biên soạn hiện đại, cấu trúc sách mới, tiếp cận với cách biên soạn sách giáo khoa của các nước tiên tiến trên thế giới và bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh cấp tiểu học và THCS Việt Nam. Sách bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, và tạo điều kiện để học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống.

Trước 31/7 hoàn thành phát hành sách giáo khoa đến các địa phương

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, theo quy định của Thông tư 25/2020/TT-BGD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành việc lựa chọn sách giáo khoa. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản pdf các sách giáo khoa đã được Bộ trưởng phê duyệt trên website của nhà xuất bản trước ngày 21/02/2021 và cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng SGK qua mạng.

Nhà xuất bản phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phổ tổ chức giới thiệu sách giáo khoa bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức trên tại các đơn vị cấp tỉnh; thời gian hoàn thành trước ngày 10/3/2021.

Việc bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31/7/2021 và đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ sách giáo khoa tại địa bàn tỉnh, thành phố.

Theo quy định tại Thông tư 25, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Việc in ấn và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành trước 31/7 đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng sách giáo khoa tại các địa phương cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên để triển khai thực hiện năm học mới.

Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các nhà xuất bản có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo; tham góp, phát động phong trào xây dựng tủ sách tại các nhà trường để hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.

Binh sĩ Israel tại Gaza.

Israel đang bị mắc kẹt

GD&TĐ - Thứ Ba tuần tới đánh dấu 15 tháng kể từ cuộc xung đột Trung Đông do Hamas tấn công Israel và cuộc ném bom và xâm lược của Israel vào Dải Gaza.

Kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Bình

169.000 lao động sẽ có việc làm mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025, UBND TP Hà Nội đề ra chỉ tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3% và tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.