Mối quan hệ “kiềng 3 chân”
Nhà trường cần đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường để giáo dục lối sống cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt, người thầy cần có đủ năng lực và phẩm chất nhân cách.
Theo cô Phan Thu Hương - Khoa Khoa học xã hội (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên cần sự sát sao vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong trường học, thầy cô chính là người gieo mầm đạo đức. Nếu gieo hạt khỏe và chăm sóc tốt chúng ta sẽ nhận được quả ngọt.
Trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên cần được quan tâm hàng đầu. Vì vậy giáo viên có vai trò quan trọng và phải thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong học tập các em rất cần thầy cô hiểu tâm lý học trò, gieo niềm tin, giúp các em hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống.
Một trong những nguyên tắc giáo dục học là, luôn bao dung nhưng nghiêm khắc, cô cho rằng, giáo viên luôn là người bạn, trân trọng khi các em làm được việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Phần thưởng mà các em mong chờ là những lời khen tặng, động viên nhẹ nhàng. Điều này dạy cho các em biết trân quý tấm lòng của bạn, biết khích lệ yêu thương người khác…
Khi học trò mắc lỗi, giáo viên không nên quát mắng hay trách phạt. Thay vào đó, cần giảng giải, phân tích để các em hiểu và biết cách sửa sai. Từ đó, hình thành phẩm chất biết vị tha, biết cảm thông, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân.
Giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, cần có sự vào cuộc của gia đình, xã hội. Trong mối quan hệ “kiềng 3 chân” gia đình, nhà trường và xã hội, thì gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Đây là nơi các em gắn bó, gần gũi nhất.
Vì thế, phụ huynh chính là “người thợ tài hoa” để “vẽ” lên tâm hồn như “tờ giấy trắng” của các con. Nhà trường là nơi dìu dắt, định hướng, giúp học trò trau dồi kiến thức và ý thức. Xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm.
Ba yếu tố trên tương quan chặt chẽ như một, nhưng lại rất riêng. Nếu con ngoan ở trường nhưng về nhà bố mẹ không gương mẫu thì con cái sẽ không ngoan ngoãn. Nếu phụ huynh “khoán” cho nhà trường giáo dục dạy dỗ các con hình thành nhân cách “Chân – Thiện – Mỹ” là cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm đối với con mình.
Sự hình thành và phát triển nhân cách của các em chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục là con đường cơ bản nhất trong việc phát triển nhân cách của con người thông qua định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành và phát triển.
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; trong cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. |
Bồi dưỡng qua nhiều hoạt động
Trong môi trường đại học, cần khơi dậy trong thanh niên, sinh viên tinh thần, khát vọng cống hiến. Muốn vậy, cần giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện phẩm chất, chính trị cho sinh viên. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Quản lý Giáo dục – cho hay, những năm qua, Đảng ủy Học viện Quản lý Giáo dục luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới.
Theo đó, Đảng ủy đã chỉ đạo Đoàn thanh niên, chi đoàn cán bộ giáo viên quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng trẻ phát huy khả năng của mình. Với vai trò nòng cốt là Đoàn thanh niên Học viện tăng cường tổ chức các hoạt động, các phong trào cho đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.
Bên cạnh các hoạt động như; văn hóa, văn nghệ, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, “Mùa hè xanh - Tình nguyện”, Đoàn thanh niên đã tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện, yêu cầu công việc của từng đối tượng, như: nghiên cứu khoa học; tự học, tự bồi dưỡng, học ngoại ngữ, tin học; “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.
Sinh viên Trần Thị Bích Thuỷ - Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chủ động tham gia các hoạt động ngoại khoá của trường. Thông qua hoạt động này, không chỉ giúp Bích Thủy phát triển kỹ năng, mà còn trưởng thành hơn nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống.
Nữ sinh cho hay, ở Khoa Ngữ văn, em được bồi dưỡng tinh thần yêu nước, trách nhiệm với công việc, sự chỉn chu, cẩn thận trong những việc mình làm. “Bản thân em luôn có ý thức học hỏi những người đi trước, từ đó rèn luyện ý chí, trau dồi bản thân, không ngừng phấn đấu, nâng cao khả năng của mình” - Bích Thủy bộc bạch.
Theo Bích thủy, học đại học, sinh viên nên đặt mục tiêu phấn đấu nâng cao tri thức, kĩ năng của bản thân cũng như xác định mục tiêu bước chân vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó, lập kế hoạch cụ thể những việc cần làm để phát triển bản thân và chinh phục những mục tiêu mà mình đã đặt ra.