Tháo gỡ khó khăn cho giáo viên bằng Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn bằng các quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Nhiều vấn đề cần luật hóa

Về việc thực hiện tinh giản biên chế giáo dục, ông Tạ Hồng Lựu cho hay, theo kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2026 phải thực hiện giảm 10% biên chế viên chức, tương đương với hơn 6.000 người; trong đó chủ yếu giảm biên chế sự nghiệp giáo dục.

Nếu tiếp tục thực hiện tinh giản đảm bảo đủ số % theo quy định của Trung ương sẽ dẫn tới việc địa phương đang thiếu giáo viên lại càng thiếu. Trong khi tỉnh chưa tự cân đối được kinh phí để chi hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.

Từ thực tế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn bằng quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo. Theo đó, cần có chính sách không giảm biên chế sự nghiệp giáo dục; thực hiện đúng chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Liên quan đến bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, ông Tạ Hồng Lựu viện dẫn, hiện Chính phủ đã bỏ quy định bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã dừng thực hiện Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Giáo viên sau khi được bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục sẽ tham gia bồi dưỡng theo Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng.

Chương trình bồi dưỡng này có lượng kiến thức phù hợp với đối tượng là cán bộ quản lý cấp phòng thuộc sở và cấp phòng thuộc huyện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục do phải quản lý học sinh, giáo viên, quản lý chương trình dạy học và quản lý tài chính, tài sản tại cơ sở giáo dục.

Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, ông Tạ Hồng Lựu đề xuất tháo gỡ khó khăn bằng quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo. Theo đó, đề nghị có quy định riêng về chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến chế độ tiền lương và phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa thực hiện được chủ trương “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị, có quy định riêng về chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó đảm bảo chủ trương “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, đồng thời quan tâm đến đội ngũ nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của địa các địa phương. Quy định này cần được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo.

Đề xuất một số nội dung cụ thể trong Luật Nhà giáo

Về việc biệt phái nhà giáo công tác tại phòng GD&ĐT, hiện việc này được UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện như giải pháp tình thế, nhằm giải quyết tình trạng thiếu biên chế công chức giáo dục.

Khó khăn này đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay địa phương vẫn lúng túng trong việc tham mưu giao số lượng công chức giáo dục tại phòng GD&ĐT do thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến có nhiều khó khăn trong việc biệt phái giáo viên công tác tại phòng và khó khăn trong quản lý giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Tạ Hồng Lựu đề nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương giao số lượng người làm việc theo vị trí việc làm đối với các phòng GD&ĐT đảm bảo theo quy định.

Một lớp ôn thi tốt nghiệp THPT của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá) - sáng 9/6. Ảnh: NTCC.

Một lớp ôn thi tốt nghiệp THPT của Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá) - sáng 9/6. Ảnh: NTCC.

Ông Tạ Hồng Lựu cũng đề xuất một số nội dung cụ thể trong Luật Nhà giáo theo 5 chính sách:

Thứ nhất, định danh nhà giáo. Đề xuất quy định về khái niệm nhà giáo; vị trí, vai trò của nhà giáo; quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo. Đề nghị không đưa vào Luật quy định về “những việc nhà giáo không được làm” nhằm giảm áp lực đối với nhà giáo.

Thứ hai, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Đề xuất quy định về tiêu chuẩn nhà giáo, trong đó có quy định cụ thể về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo theo từng cấp/bậc học; quy định về đánh giá, xếp loại nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp; quy định về bổ nhiệm, thay đổi, thôi giữ chức danh nhà giáo. Đề nghị nghiên cứu gộp “chuẩn nghề nghiệp” và “chuẩn chức danh” thành một nhằm giảm áp lực đối với nhà giáo.

Thứ ba, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo. Đề xuất quy định về tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; quy trình tuyển dụng; chế độ làm việc đối với nhà giáo; điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác; điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại đối với nhà giáo.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Đề xuất quy định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; các chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.

Thứ năm, quản lý Nhà nước về nhà giáo. Đề xuất về phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; vai trò của các tổ chức hiệp hội nhà giáo. Đồng thời quy định rõ về vị trí việc làm, số lượng người làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục, trong đó có phòng GD&ĐT.

Đề cập đến vấn đề phân cấp tuyển dụng nhà giáo, ông Tạ Hồng Lựu cho hay: Hiện, Sở GD&ĐT có trách nhiệm tuyển dụng viên chức thuộc khối THCS & THPT, Trường THPT. UBND cấp huyện có trách nhiệm tuyển dụng viên chức thuộc khối các trường mầm non, tiểu học, THCS theo thẩm quyền quản lý.

Bên cạnh những ưu điểm của việc phân cấp tuyển dụng nêu trên thì cũng có những bất cập. Cụ thể, việc phải thành lập nhiều hội đồng tuyển dụng, mỗi hội đồng đều bố trí các ban để phỏng vấn, sát hạch gây lãng phí nhân lực, thời gian và ngân sách để phục vụ cho việc tuyển dụng.

“Đó là chưa kể chất lượng tuyển dụng tại chỗ ở mỗi địa phương, đơn vị không đồng đều. Có những địa phương thực hiện quy trình tuyển dụng, có những ứng viên tham gia tuyển dụng tại nhiều địa phương nhưng khi trúng tuyển sẽ chọn địa phương có điều kiện thuận lợi nhất để hợp đồng làm việc. Điều này gây khó khăn cho các địa phương còn lại trong việc tuyển bổ sung” – ông Lựu nêu thực tế.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Tạ Hồng Lựu đề xuất tháo gỡ khó khăn bằng quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo. Theo đó, các tỉnh, thành phố giao cho ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn địa bàn, trên cơ sở biên chế được giao và số giáo viên thiếu do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất tuyển theo từng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ