Luật Nhà giáo là động lực để giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề

GD&TĐ - Nhiều giáo viên mầm non đang chịu thiệt thòi trong hoạt động nghề nghiệp. Do đó, thầy cô mong quyền và những lợi ích chính đáng được luật hóa.

Mong sớm có Luật Nhà giáo, để giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề.
Mong sớm có Luật Nhà giáo, để giáo viên mầm non yên tâm gắn bó với nghề.

Giáo viên mầm non chịu nhiều thiệt thòi

Theo TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT: Thực tế cho thấy GVMN đang chịu rất nhiều áp lực, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp. Từ thu nhập đến thời gian làm việc, thường giáo viên phải đến sớm và về muộn, thời gian làm việc kéo dài từ 9-10 tiếng/ngày (kéo dài hơn so với Luật Lao động từ 1 đến 2 tiếng).

Tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp, giáo viên phải kiêm cả việc phải đón và trả trẻ tại nhà vì một số phụ huynh không đưa đón con em của họ. Bên cạnh đó, giáo viên làm việc quá giờ, áp lực cao, thiếu thời gian để hoạt động sinh hoạt chuyên môn nâng cao năng lực nghề nghiệp, thu nhập thấp... là một trong những nguyên nhân khiến họ thiếu gắn bó với nghề.

Áp lực nghề, thù lao chưa tương xứng dẫn đến tình trạng bỏ nghề đang diễn ra ở nhiều địa phương. Như ở tỉnh Nghệ An, năm 2022 Tp Vinh có 21 giáo viên xin nghỉ việc hoặc xin về hưu trước tuổi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có 5 giáo viên xin nghỉ việc. Tính từ năm 2021 đến nay, Tp Vinh có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.

Cũng như vậy tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ đầu năm 2023 đến nay cũng có 127 giáo viên xin nghỉ việc. Trước đó, trong năm 2022, toàn tỉnh có 81 trường hợp giáo viên nghỉ việc. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: Đa số giáo viên nghỉ việc đều thuộc bậc học mầm non và tiểu học, ít xảy ra ở những bậc học còn lại.

"Nhiều nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, nhưng phần lớn là do áp lực công việc và chế độ chính sách, thu nhập chưa đáp ứng đời sống sinh hoạt. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh có chủ trương cải thiện chế độ chính sách để tăng thu nhập cho giáo viên. Chúng tôi cũng mong Luật Nhà giáo sớm được xây dựng và ban hành, làm căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của thầy cô", Giám đốc Nguyễn Tân chia sẻ.

Mong có Luật để xóa bất cập

Theo tâm sự của nhiều cô giáo, lý do bỏ nghề là bởi áp lực công việc quá nhiều, giáo viên hầu như không còn quỹ thời gian lo cho gia đình. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ thấp, lương không đủ sống nên nhiều người dù yêu nghề cũng phải chấp nhận nghỉ để tìm việc mới phù hợp với hoàn cảnh gia đình hơn.

Mong có Luật Nhà giáo để các GVMN thêm gắn bó và yêu nghề.

Mong có Luật Nhà giáo để các GVMN thêm gắn bó và yêu nghề.

Theo nhiều chuyên gia, việc sớm có Luật Nhà giáo là một trong những căn cứ quan trọng tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của giáo giới, trong đó có GVMN. Bà Nguyễn Thị Vy, Trưởng Phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho rằng, ở cấp học mầm non, HS luôn được đón về muộn, GV cũng phải làm việc cả giờ trông trưa.

Thực tế cho thấy, nhiều GVMN thường xuyên phải làm việc 1 người thay cho 2 do tình trạng trường thiếu GV, có lớp chỉ có 1 GV trong khi quy định phải có 2 GV/lớp, không kể làm thêm giờ thì với 1 GV/lớp, như vậy giáo viên đã phải làm 200% công sức. Hay như tuổi nghỉ hưu tăng cao song chưa phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp, đặc điểm vùng miền,...

Một số chuyên gia nhận định, cần đưa GVMN rất xứng đáng để đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại như điều kiện và tính chất công việc của họ. Rất mong Luật Nhà giáo sớm ra đời để giải tỏa áp lực, tạo niềm tin để GVMN yên tâm và gắn bó với nghề góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ.

Bộ GD&ĐT đang đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, GVMN, tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.