Luật Nhà giáo sẽ góp phần thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, chuyên gia khẳng định, việc triển khai xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết để thu hút và trọng dụng nhân tài cho ngành Giáo dục.

Hoạt động giáo dục tại Trường THCS Phù Ninh (Phú Thọ).
Hoạt động giáo dục tại Trường THCS Phù Ninh (Phú Thọ).

Giáo viên là lực lượng lao động đông đảo

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ chuyên môn cao trong toàn bộ lực lượng lao động nước ta.

Trong giáo dục, vấn đề quan trọng hàng đầu là giáo viên. Đây là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Thực tế trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục rất quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo.

Hiện nay lao động của nhà giáo được điều chỉnh bằng Luật Công chức, Luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chỉ đề cập đến công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo. Ngoài ra Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo, song vẫn còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Vì vậy nhiều giáo viên và chuyên gia đề xuất, cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm giải quyết một số vấn đề còn bất cập.

Hoạt động giáo dục tại Trường THCS Phú Lộc (Phù Ninh, Phú Thọ)

Hoạt động giáo dục tại Trường THCS Phú Lộc (Phù Ninh, Phú Thọ)

Có thâm niên nhiều năm đứng trên bục giảng và quản lý giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Luật Nhà giáo cần được sớm ban hành. Bởi, ngành Giáo dục hiện nay đang được Đảng, Nhà nước, toàn xã hội rất quan tâm, đã có nhiều thông tư, nghị định được ban hành với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục.

Chia sẻ quan điểm, nhà giáo Phạm Thị Hồng Loan – Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Tôi tin, nếu Luật Nhà giáo ra đời, với những quy định điều luật cụ thể sẽ có thuận lợi rất lớn đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với đội ngũ giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng. Bởi nó sẽ tạo ra hành lang pháp lý, là cơ sở thực hiện các nhiệm vụ. Nếu chỉ dừng lại ở Thông tư, nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết được hết. Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản."

Thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục

Việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những vấn đề khó khăn mà ngành Giáo dục đã và đang phải đối mặt đó là tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đã xảy ra một số địa phương.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước.

Do đó, chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên cần được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Việc thiếu giáo viên hiện nay còn do nguyên nhân thu nhập giáo viên chưa đủ sống.

Hoạt động giáo dục của học sinh Trường THCS Phù Ninh, Phú Thọ.

Hoạt động giáo dục của học sinh Trường THCS Phù Ninh, Phú Thọ.

Theo thống kê, lương bình quân hằng tháng của giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Nếu tính từ ngày 1/7/2023, thời điểm tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, thì giáo viên hạng 3 bậc 1 ở các cấp mầm non cũng chỉ nhận lương 3,78 triệu đồng/ tháng, cấp tiểu học, THCS và THPT nhận 4,2 triệu/tháng.

Bên cạnh lương, giáo viên ở các cấp học đều được hưởng các phụ cấp, hỗ trợ khác, nhưng so với mức chi phí sống hiện tại, nếu chỉ trông vào thu nhập từ nghề, thì một bộ phận không nhỏ giáo viên thực sự khó lo cho chính bản thân họ, chưa nói gì cho cả gia đình.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, riêng trong năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, tính trung bình cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc.

Lương thấp không chỉ dẫn đến làn sóng bỏ việc, mà còn gây nản chí với những bạn trẻ muốn theo đuổi con đường sư phạm.

Luật Nhà giáo sẽ là hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, ở đó sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo động lực để giáo viên làm việc.

Nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, Nguyễn Thị Huế cho rằng để phù hợp tình hình, nhu cầu, xu thế phát triển của xã hội, theo tôi mong muốn trong Luật Nhà giáo có những nội dung cơ bản như: Giáo viên được quan tâm, phát triển năng lực chuyên môn, nâng cao vai trò vị thế của giáo viên trong xã hội, bao gồm vị thế xã hội và vị thế kinh tế.

Cùng với đó, sẽ có thêm nhiều chính sách hơn nữa để động viên, thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục; ưu tiên cho sinh viên khi chọn ngành Sư phạm, đảm bảo việc làm sau khi ra trường.

Nhà giáo Phạm Thị Hồng Loan cũng cho rằng nên đưa vào Luật Nhà giáo một số nội dung liên quan mật thiết đến chế độ đãi ngộ tôn vinh nhà giáo, chính sách tiền lương.

Đồng thời, đảm bảo chế độ cho giáo viên. Hơn thế nữa là các quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên sẽ tạo ra động lực cho viên chức giáo viên.

Hiện nay, cả nước có gần 1,5 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), trong đó đội ngũ CBQLGD chiếm khoảng 10%.

Cụ thể, đội ngũ ở các cấp học: Giáo dục mầm non có trên 370.000 người, cấp tiểu học có khoảng 420.000 người, cấp THCS có gần 315.000 người, cấp THPT có trên 150.00 người, giáo dục thường xuyên có khoảng 11.700 người, giáo dục nghề nghiệp có trên 104.000 người và giáo dục đại học có gần 74.000 người với gần 550 giáo sư, trên 4.300 phó giáo sư, gần 22.000 tiến sĩ và trên 44.00 thạc sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.